112 nghìn hộ dân Lào Cai được vay vốn chính sách để thoát nghèo
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, nguồn vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tài đến người dân, là điểm tựa để người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh Lào Cai đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng (tăng 16 lần) so với thời điểm chi nhánh NHCSXH tỉnh mới đi vào hoạt động, với trên 85.000 lượt hộ vay vốn 23 chương trình tín dụng đang triển khai. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác qua NHCSXH số tiền hơn 271 tỷ đồng để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 17%/năm, với trên 453.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 112 nghìn hộ dân thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho trên 150 nghìn lao động; hơn 22 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 109 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Lào Cai trong việc triển khai thực hiện Nghị định 78. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai đã quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, đó cũng chính là việc làm nhân văn sâu sắc của địa phương đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cũng đánh giá cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được xuất phát từ việc triển khai hiệu quả, đầy đủ, trách nhiệm các chương trình cho vay tín dụng chính sách; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giám sát việc triển khai tín dụng chính sách vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần xác định vai trò của tín dụng chính sách đối với kinh tế - xã hội địa phương; gắn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia; các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH điều hành hoạt động hiệu quả. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tận tụy, trách nhiệm với công việc, theo đúng phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH.
Hằng năm, HĐND và UBND tỉnh và huyện, thành phố, thị xã bố trí, tập trung các nguồn lực tài chính để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các Sở, ban, ngành có liên quan, các địa phương lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo và tạo việc làm. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHCSXH tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách, tiếp thêm nguồn lực cho Lào Cai thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân đã được các Bộ, ngành Trung ương, NHCSXH, UBND tỉnh Lào Cai trao tặng Bằng khen, Vinh danh và Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ.
Clip: Tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ
Thanh Nam - Hữu Huỳnh
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Nguồn lực quan trọng cho công cuộc giảm nghèo ở Lào Cai
- » Nam Định tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới
- » Bắc Ninh tổng kết 20 năm triển khai Nghị định về tín dụng chính sách xã hội
- » Bắc Ninh phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội
- » Tỉnh Bình Thuận có hơn 61 nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Hành trình 20 năm vì mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội tại Bình Thuận (BTV - 14.9.2022)
- » Quảng Nam tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội