Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới

15/09/2022
(VBSP News) Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc. Nghị định số 78/2022/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78) là một minh chứng thể hiện rõ điều đó. Tại tỉnh Nam Định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chi nhánh NHCSXH tỉnh, việc triển khai Nghị định 78 đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, khẳng định vị trí là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.
image001

Được vốn tín dụng chính sách tiếp lực, gia đình chị Phạm Thị Thanh ở thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh, huyện Ý Yên đã thoát nghèo bền vững, tạo lập cuộc sống ổn định

Gia đình chị Phạm Thị Thanh ở thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh, huyện Ý Yên là một trong những hộ tiêu biểu đã thoát nghèo vững chắc nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Nhìn cơ ngơi trang trại của anh chị lúc này, ít ai nghĩ rằng mới 3 năm về trước, chị vẫn thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Chia sẻ về quá trình thoát nghèo của gia đình, chị Thanh bộc bạch: “Trước đây, ruộng đất rộng nhưng đồng trũng mà chỉ cấy lúa nên sản xuất không hiệu quả. Quanh năm chỉ thu được thóc lúa ở mấy sào ruộng nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Năm 2019, được NHCSXH huyện Ý Yên cho vay 50 triệu đồng cùng với chút vốn ít ỏi dành dụm được, gia đình tôi quyết định đầu tư cải tạo chuyển đổi ruộng trũng thành mô hình tổng hợp vừa đào ao nuôi các loại cá truyền thống, vừa nuôi gà vịt, trồng cây ăn quả trên diện tích 1,2 mẫu”. 

Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ đồng vốn ban đầu, chị Thanh đã có thêm khoản thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng và trả lãi nợ ngân hàng theo quy định. Năm 2022, gia đình chị tiếp tục được NHCSXH huyện Ý Yên cho vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Có được vốn, chị Thanh tiếp tục kè, đào thêm ao, trồng thêm cây ăn trái, nuôi thêm gà, vịt. Đến nay, từ ao nuôi cá, đàn gà 100 con, vịt 50 con và hàng trăm cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, chị Thanh đã sửa sang được căn nhà cũ xuống cấp, trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nét mặt rạng rỡ, phấn khởi của vợ chồng chị Thanh cũng là tâm trạng của hàng trăm nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, vượt khó nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong suốt 20 năm qua. 

Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Đến 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 3.741 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,5%/năm với 97.407 hộ còn dư nợ. Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có 770.016 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt trên 12.987 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 9.448 tỷ đồng; góp phần giúp 87.491 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 59.710 lao động, trên 114.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 915 em được vay vốn để mua trang thiết bị học trực tuyến; xây dựng trên 489.000 công trình NS&VSMTNT; xây mới, sửa chữa 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 13,44% xuống còn 9,95%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 8,3% xuống còn 3,77%, giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống còn 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74%. 

Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đang phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội các cấp để thực hiện nhiệm vụ ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến với hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 3.734 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tỉnh, tăng hơn 163 lần so với năm 2003, với 97.257 hộ còn dư nợ. 

Với mạng lưới 215 Điểm giao dịch xã, 2.923 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại các thôn xóm, tổ dân phố, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng một cách thuận lợi, kịp thời. 

Các chương trình chính sách tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định triển khai trong 20 năm qua luôn đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu của các đối tượng chính sách, như từng nấc thang chắc chắn mang đến cho người nghèo sự tự tin tạo lập sinh kế trên hành trình thoát nghèo, tạo thu nhập ổn định, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương. 12 chương trình tín dụng của chi nhánh đã phủ đều các nhóm đối tượng yếu thế của xã hội trong hành trình đồng hành “Thấu hiểu lòng dân - Tận tâm phục vụ” cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách chiến thắng nghịch cảnh, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 

Cùng với đó, các chính sách, cơ chế nâng mức vay theo từng thời kỳ suốt thời gian qua để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển với nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân. Nhờ đó, không chỉ giúp giảm mà còn góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ những hộ dân loay hoay trong vòng xoay của nghèo khó, vốn chính sách được trao tay đã giúp họ tìm được hướng đi vững chắc cho hành trình thoát nghèo.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh xác định tín dụng chính sách tiếp tục sẽ là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định tiếp tục là nòng cốt chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ vốn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung cho vay các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các đơn vị, tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách; đồng thời tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, thời gian tới, tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh Nam Định.

Bài và ảnh Đức Toàn

Các tin bài khác