Nghệ An tiếp tục tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách
Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững của Đảng, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH, trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, nhằm tập trung đầu mối về huy động nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tại Nghệ An, chi nhánh NHCSXH tỉnh được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH và chính thức khai trương hoạt động từ ngày 09/4/2003.
Sau 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã giúp cho 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống; nhờ đó đã có 267,8 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và có sự cải thiện đáng kể về đời sống; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 49 nghìn lao động từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; 10,3 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 100,3 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư SXKD; 261,7 nghìn hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 262 nghìn công trình nước sạch và 261 nghìn công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn.
Nguồn vốn chính sách cũng giúp trên 37,2 nghìn hộ nghèo được vay vốn để xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống, xóa bỏ tình trạng nhà tạm bợ, dột nát; hơn 625 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 18 nghìn hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn tạo sinh kế ổn định,… Nhiều mô hình kinh tế được tổ chức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia mang lại hiệu quả cao.
Từ 3 chương trình tín dụng ngày đầu hoạt động, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay qua 20 năm đạt 32.143 tỷ đồng cho 1.272 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 10.522 tỷ đồng, tăng 10.215 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 34,31 lần), với 279,3 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có doanh số cho vay cao nhất đạt 8.232 tỷ đồng, với trên 293,4 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn. Tiếp đó là các chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo. Nghệ An cũng là địa phương có dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc tốp lớn nhất cả nước, doanh số cho vay của chương trình 20 năm qua đạt 4.475 tỷ đồng, với hơn 250 nghìn lượt hộ gia đình vay vốn cho 625 nghìn HSSV đi học; dư nợ đến ngày 30/6/2022 là 295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,8% tổng dư nợ, với 8,4 nghìn hộ còn dư nợ.
Tăng nguồn lực cho tín dụng chính sách
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đều khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; đồng thời, đề xuất các cấp bộ, ngành bố trí đủ nguồn lực cho NHCSXH thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, nâng mức vay cho các chương trình.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chi nhán NHCSXH tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Kết quả trong 20 năm hoạt động vừa qua đã chứng minh nguồn lực Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo mục tiêu UBND tỉnh đề ra.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện mạng lưới, mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn. Đặc biệt, mạng lưới Điểm giao dịch đặt tại trụ sở 460 UBND cấp xã trên toàn tỉnh và 6.283 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn (bản) là điểm sáng trong việc tổ chức hoạt động, là bước đột phá trong việc cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cũng như tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cũng đề nghị chính quyền các cấp quan tâm tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách; bổ sung nhóm đối tượng thụ hưởng vốn chính sách, gồm: hộ có mức sống trung bình; hộ gia đình SXKD các mặt hàng theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình kinh tế theo từng giai đoạn tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vào các chương trình tín dụng chính sách, do đây là nhóm đối tượng có dư địa và nhu cầu vay vốn lớn.
Đồng thời, đề nghị NHCSXH Trung ương hàng năm cân đối tăng thêm nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nhiều hơn. Đặc biệt là nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức lồng ghép các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo sự tác động đồng bộ giúp cho hộ nghèo nâng cao nhận thức áp dụng các tiến bộ khoa học, nắm bắt thông tin thị trường vào thực tế việc sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, giúp người nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững.
Nhân dịp này, 21 tập thể, 19 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 04 cá nhân là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được Tổng Giám đốc NHCSXH vinh danh; 01 tập thể, 06 cá nhân được nhận Bằng khen của các Bộ, ngành vì đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 20 năm qua.
Clip: Tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ
Thu Huyền
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 2: Chăm lo đặc biệt cho đồng bào DTTS)
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 1: Khởi sắc toàn diện)
- » Nghệ An: Hành trình 20 năm chuyển tải vốn tín dụng chính sách
- » 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác tỉnh Nghệ An (NTV - 12.9.2022)
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
- » Tây Ninh giải ngân gần 962 tỷ đồng đối với người nghèo, đối tượng chính sách
- » Tây Ninh hỗ trợ hơn 40 nghìn hộ thoát nghèo (VTV1 - 17h00 - 13.9.2022)
- » Hiệu quả sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (TTV11 - 13.9.2022)