Bắc Ninh phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh không ngừng phát triển, giữ vững niềm tin của xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh thực hiện phương thức quản lý thông qua việc uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.
Phương thức này phát huy được tính ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế, ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, phát huy được vai trò của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và lòng tin của quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay đạt trên 2.932 tỷ đồng (chiếm 84,31% tổng dư nợ), với 2.085 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó Hội Nông dân quản lý dư nợ là 854,4 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 1.541 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 369,4 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 155,5 tỷ đồng.
Để bảo đảm có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH; tranh thủ nguồn vốn huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hiện tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 3.321 tỷ đồng so với đầu năm 2003 (gấp 22,9 lần). Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chiếm tỷ trọng 88,3%; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương chiếm tỷ trọng 11,7%. Thực hiện mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm) dư nợ là 150 tỷ đồng, sau 20 năm, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã và đang triển khai 14 chương trình với tổng dư nợ đạt hơn 3.464 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chương trình khác đều được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới như: Chương trình cho vay NS&VSMTNT; cho vay hộ cận nghèo; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay hộ nghèo về nhà ở; cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; cho vay phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách địa phương…
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được giải ngân đến 100% các xã, phường, thị trấn với hơn 621 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó, góp phần giúp gần 80 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 45 nghìn lao động (trong đó có hơn 1,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp gần 152 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo gần 411 nghìn công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ 2,1 nghìn hộ nghèo có kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ 753 đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ 309 cá nhân phụ nữ, thanh niên, cở sở SXKD vay vốn để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ 59 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được vay vốn; hỗ trợ 142 lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 117,4 nghìn lượt lao động…
Thông qua NHCSXH, việc triển khai tín dụng chính sách được ưu tiên vào những vùng trọng điểm gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương theo từng thời kỳ, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững và ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh hoạt động theo hướng ổn định và bền vững. Triển khai tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay qua tổ chức chính trị - xã hội, gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bài và ảnh Thái Uyên
Các tin bài khác
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Tỉnh Bình Thuận có hơn 61 nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Hành trình 20 năm vì mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội tại Bình Thuận (BTV - 14.9.2022)
- » Quảng Nam tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 2: Chăm lo đặc biệt cho đồng bào DTTS)
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 1: Khởi sắc toàn diện)
- » Quảng Nam 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ (QRT - 14.9.2022)
- » Nghệ An tiếp tục tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Nghệ An: Hành trình 20 năm chuyển tải vốn tín dụng chính sách
- » 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác tỉnh Nghệ An (NTV - 12.9.2022)