Vốn giảm nghèo trên hành trình đến với Bắc Ninh

19/05/2021
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi diện mạo của nhiều xã nông thôn trên địa bàn tỉnh và hứa hẹn tiếp tục đạt được những thành tựu về giảm nghèo.
a t7

Vay vốn ưu đãi, người dân Bắc Ninh đầu tư SXKD và chăn nuôi hiệu quả

Hỗ trợ người dân an cư, phát triển kinh tế

Trong ngôi nhà mới xây kiên cố, anh Nguyễn Văn My ở thôn Bến Long, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành chia sẻ, nhờ được vay vốn ưu đãi từ chương trình nhà ở xã hội của NHCSXH cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, gia đình mới xây được căn nhà này. Giờ đây, gia đình anh đã an cư, có thể yên tâm làm kinh tế để từng bước vươn lên. Ngoài ra, với 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình anh My đầu tư phát triển kinh tế VAC, lấy ngắn nuôi dài, từng bước phát huy hiệu quả.

Giống như gia đình anh My, gia đình chị Trần Thị Bình ở thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ cũng được NHCSXH cho vay lồng ghép 3 chương trình: cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

“Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi và nhiều chính sách khác, mỗi hộ nghèo sẽ nỗ lực, tìm hướng thoát nghèo bền vững. Cùng với vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình tôi còn được xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để học tập và áp dụng kiến thức phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt. Với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành, gia đình tôi quyết tâm sớm thoát nghèo”, chị Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Quân - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Quế Võ cho biết, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế là niềm tin, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Thời gian qua, nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quế Võ liên tục giảm từ 3,5% trong năm 2016 xuống còn 1,8% trong năm 2020.

Tiếp tục hỗ trợ

Vốn là xã nghèo của tỉnh Bắc Ninh, đến nay, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình đã trở thành xã nông thôn mới và là một trong những điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Trương Gia Huy khẳng định, nhiều năm qua, chính nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư SXKD, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng, nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp xã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 1,35%. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã đạt hơn 36,2 tỷ đồng, với hơn 860 hộ còn dư nợ.

Từ năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Với quy định này, số hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng. Đây là cơ hội để mở rộng diện hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, song cũng là thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và phù hợp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vốn chính sách của NHCSXH.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh Hoàng Trọng Cường cho biết, những năm qua, nhờ huy động tốt các nguồn lực, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, mục tiêu giảm nghèo bền vững của Bắc Ninh đã đạt được những thành quả quan trọng. Bước vào giai đoạn mới, khi Bắc Ninh đang đẩy nhanh công cuộc phát triển hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, thì nhiệm vụ đặt ra cho công tác giảm nghèo bền vững càng trở nên cấp thiết, nhất là theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng từ năm 2022. 

Bài và ảnh Quỳnh Lê

Các tin bài khác