Hiệu ứng lan tỏa từ nguồn vốn khởi nghiệp (Bài 1 - Gieo mầm sáng tạo cho thanh niên)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi bạn trẻ khởi nghiệp hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi: “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất “trăm nghề”, những làn sóng thanh niên khởi nghiệp tại Bắc Ninh đang diễn ra mạnh mẽ và có tiếng vang lớn khi được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Những nhân tố điển hình
Lê Văn Hiến ở thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành cử nhân Học viện Tài chính, ngay từ thời còn đi học anh đã say mê với “nghiệp” kinh doanh, từng làm nhân viên maketing cho một số doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Có trình độ học vấn với ý chí làm giàu chính đáng, cùng với những trải nghiệm kinh doanh tích lũy thời còn là sinh viên, tốt nghiệp đại học Hiến về quê lập nghiệp và giành tất cả đam mê cho việc kinh doanh với xuất phát điểm là làm đại lý kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát. Bước đường khởi nghiệp tuy còn “gập ghềnh” nhưng giúp Hiến thu nạp được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong làm ăn và quyết tâm gây dựng sự nghiệp ngay chính nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình. Đến nay, sau nhiều lần chuyển đổi mô hình kinh doanh, cùng với sự tư vấn, hỗ trợ của bạn bè trong ngành xây dựng, Hiến đã có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực SXKD mặt hàng khung nhôm, cửa kính. Năm 2018, Hiến là một trong những thanh niên đầu tiên của huyện Thuận Thành được tiếp cận nguồn vốn từ Đề án hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh.
Lê Văn Hiến chia sẻ: “Tôi được vay 1 tỷ đồng theo Dự án khởi nghiệp, đầu tư trang thiết bị phục vụ kinh doanh. Sau khi NHCSXH huyện và Huyện Đoàn Thuận Thành thẩm định bảo đảm đầy đủ các yếu tố như phương án vay vốn khả thi, phù hợp với ngành nghề SXKD, có khả năng tài chính để trả nợ… hoàn thiện các thủ tục vay vốn trong vòng 1 tuần, tôi được giải ngân nguồn vốn ưu đãi theo chính sách của BND tỉnh”.
Vượt qua những trở ngại ban đầu, kiên trì tìm kiếm bạn hàng, tiếp nhận từ những đơn hàng trị giá vài chục triệu đồng cho đến vài tỷ đồng, đến nay Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Trung Hiếu do Hiến làm Giám đốc đi vào hoạt động ổn định, trở thành đơn vị uy tín trong lĩnh vực sản xuất và gia công cơ khí các thiết bị kim loại, khung cửa… thu hút ngày càng nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiến khẳng định: Khi khởi nghiệp, vốn là một vấn đề thiết yếu, trên thực tế hầu hết startup Việt khó khăn trong khâu tiếp cận vốn và kêu gọi vốn. Bởi vậy, khi được tiếp cận vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh thực sự là chất xúc tác mạnh, là cánh tay đắc lực giúp tôi phát huy tối đa kiến thức của bản thân đã được học để hiện thực hóa ý tưởng, chiến lược kinh doanh. Bản thân không học ngành xây dựng, nhưng nhờ có kiến thức về maketing, nhận thấy nhu cầu xây dựng và xu hướng sử dụng khung nhôm, cửa kính trong xây dựng dân dụng cũng như các công trình lớn ngày một nhiều, là xu hướng tất yếu vì nguồn vật liệu gỗ ngày càng khan hiếm, nên khi có vốn trong tay tôi đã đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất, cung ứng sản phẩm này phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cũng như Hiến, nhiều thanh niên trong tỉnh khi bắt tay vào dựng nghiệp đã nhận được “chất xúc tác hữu hiệu” từ nguồn vốn vay hỗ trợ khởi nghiệp thông qua NHCSXH để phát huy kiến thức, khát vọng tuổi trẻ thực hiện giấc mơ làm giàu cho bản thân và chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Có không ít bạn trẻ là cử nhân, kỹ sư nhưng đã mạnh dạn từ bỏ cơ hội tiến thân ở thành phố để về quê lập nghiệp. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để có được những thành công ban đầu, với mức thu nhập đáng ngưỡng mộ. Điển hình như anh Nguyễn Hữu Dũng ở xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 2009, trải qua hai năm làm việc tại thành phố, Dũng quyết định về quê lập nghiệp. Từ cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản với mặt hàng chủ yếu là cà rốt, đến nay, Agritec - Công ty của Dũng phát triển mạnh cả về số lượng và các mặt hàng xuất khẩu. Ước tính, mỗi năm, công ty chế biến được 5.000 tấn nông sản, trong đó, 70% là xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… với các sản phẩm chủ lực như bắp cải, cà rốt, khoai tây, tỏi, ớt, gừng… Dũng còn liên kết với các hộ trong xã và khu vực lân cận cùng tham gia sản xuất nông sản sạch. Nhờ đó, vừa khuyến khích sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển, vừa có nguồn nông sản bảo đảm, được đối tác đánh giá cao. Doanh thu 40 tỷ đồng/năm - đó là con số mà nhiều người mơ ước. Nhưng với người thanh niên đầy nhiệt huyết và năng động này, đây mới chỉ là thành quả bước đầu của khởi nghiệp. Dũng đang triển khai trang trại trồng 10ha cam, chanh Mỹ để tăng doanh thu và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng theo Đề án “Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã mạnh dạn đấu thầu 2 mẫu đất của địa phương để trồng các loại cây hương liệu như bồ kết, hương nhu, hoắc hương, lá ổi, lá bưởi để sản xuất các dòng sản phẩm nước gội đầu, bột tắm, tinh dầu, hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường. Không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, hiện tại Thu đã thuần hóa nhiều giống cây trồng từ Đà Lạt như Hương Thảo, Xạ Hương phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại Bắc Ninh mang lại giá trị kinh tế cao. Những gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu như Thu, Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua.
Sự vào cuộc của nhà “quyền năng”
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 250.000 thanh niên từ 16 - 30 tuổi, chiếm 25,5% lực lượng trong độ tuổi lao động xã hội của của tỉnh. Thực tiễn chứng minh, thanh niên luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần xung kích, sáng tạo dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, thanh niên là lực lượng tiên phong trong việc triển khai các mô hình kinh tế mới, hiệu quả.
Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Anh Linh cho biết: Từ thực tiễn đó, cho thấy nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên là rất lớn. Do vậy, việc tư vấn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và lập nghiệp là hết sức cần thiết, giúp thanh niên nắm vững kiến thức chuyên môn về kinh tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp, quản lý và điều hành doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và gắn bó với tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh. Tỉnh Đoàn Bắc Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước xây dựng và triển khai Phương án quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp. Tổng kinh phí giai đoạn 2018 - 2025 là 40 tỷ đồng, mức lãi suất 5%/năm. Đến nay, số dự án do Thanh niên quản lý và được vay vốn là 21 dự án…
Thuận Thành là một trong những địa phương giải ngân cho vay Dự án khởi nghiệp nhanh và nhiều nhất tỉnh. Ông Đào Mạnh Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Thành cho biết thêm: Sau khi có văn bản chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, đơn vị phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huyện tiến hành rà soát những khách hàng đăng ký vay vốn. Để bảo toàn nguồn vốn ngân sách, Ngân hàng phối hợp với các địa phương, hội, đoàn thể thẩm định dựa trên các quy định của Đề án. Những công đoạn này được thực hiện nhanh chóng và kiểm soát chặt chẽ, do đó rút ngắn được thời gian giải ngân vốn, giúp các dự án sớm được thụ hưởng nguồn vốn vay, không phải vay mượn bên ngoài, tránh được những tác động tiêu cực của hoạt động tín dụng đen. Đến nay, Thuận Thành có 22 dự án được vay vốn với tổng số hơn 13 tỷ đồng. Trong đó Phụ nữ 16 dự án, Thanh niên 6 dự án.
Theo ông Vũ Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ NHCSXH tỉnh, hầu hết các dự án khởi nghiệp của thanh niên do Tỉnh Đoàn đề xuất gửi sang Ngân hàng, sau khi thẩm định đều được vay vốn, nhiều dự án được vay tối đa 2 tỷ đồng, thời hạn 5 năm. Có được điều này, từ phía Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động bám nắm tình hình, chọn đúng đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo Đề án. Toàn tỉnh hiện có gần 30 dự án có Quyết định vay vốn, trong đó 21 dự án đã được giải ngân, với số vốn gần 20 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang được đầu tư đúng mục đích và phát huy hiệu quả tích cực, tạo “cú hích” cho các dự án khởi nghiệp phát triển.
(Đón đọc bài 2 - Lan toả tinh thần phụ nữ khởi nghiệp)
Bài và ảnh Thái Uyên - Hà Linh
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
- » Góp sức làm giàu ở miền Tây xứ Nghệ
- » Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, động viên gia đình Thiếu tá biên phòng hy sinh khi truy bắt tội phạm ma tuý
- » NHCSXH làm việc với Văn phòng điều phối nông thôn mới TW
- » Nâng bước tới trường cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Ninh Thuận
- » Toạ đàm: “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện kỹ thuật số cho người nghèo”
- » Huyện nghèo với Chỉ thị số 40
- » NHCSXH nghiệm thu hai đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm CNTT
- » Đô Lương phát huy hiệu quả nguồn vốn vay