Huyện nghèo với Chỉ thị số 40

31/05/2019
(VBSP News) Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận, cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm dựa vào nông nghiệp, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Song xác định được vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc giúp người dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc, Huyện uỷ, UBND huyện Thuận Bắc đã có những quan tâm, chỉ đạo sát sao và uỷ thác nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Gia đình chị Thị Bét, dân tộc Chăm ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn vay vốn chính sách chăn nuôi cừu

Gia đình chị Thị Bét, dân tộc Chăm ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn vay vốn chính sách chăn nuôi cừu

Ông Trần Văn Ngọc - Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Bắc cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, NHCSXH huyện đã tham mưu Huyện uỷ, UBND huyện ban hành kế hoạch chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung của Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhờ đó, lãnh đạo các địa phương đã tham gia vào cuộc khá tích cực; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tín dụng chính sách xã hội đều được nắm bắt và triển khai kịp thời.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Thuận Bắc đạt trên 261 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với cuối năm 2018; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 256 tỷ đồng. Về chất lượng tín dụng, Thuận Bắc là huyện có đông đồng bào DTTS nhưng không có nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ.

Tận mắt chứng kiến những mô hình thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi đang “nở hoa” trên vùng đất còn nhiều khó khăn “quanh năm nắng rát da người” tại Thuận Bắc. Nhiều hộ gia đình kinh tế trước đây rất khó khăn, nay nhờ sự tiếp sức từ đồng vốn tín dụng chính sách mà cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, từ thiếu ăn đến có của ăn của để như hộ chị Thị Bét, người dân tộc Raglai ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn.

Nhớ lại cách đây hơn 15 năm đầy gian khó, chị Bét lấy chồng và ra ở riêng, tài sản vẻn vẹn chỉ có 2 gian nhà vách đất, đến gạo cũng không đủ ăn hàng ngày, đồ dùng sinh hoạt thiếu thốn… Cuộc sống quá khổ, hàng ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày và nuôi con ăn học đã khó, làm sao nghĩ đến chuyện làm giàu. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, năm 2016 gia đình chị đã may mắn được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng vốn hộ nghèo, cùng với số vốn tích cóp tiết kiệm tự có, chị mạnh dạn đầu tư mua ngay 10 con cừu và 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ 3 năm sau khi vay được vốn, cặp bò đã sinh được 2 con bê; đàn cừu cũng phát triển được 50 con. “Tôi cứ ngỡ cuộc sống tưởng như rơi vào bế tắc với gia đình tôi, nhưng may mắn gia đình tôi được NHCSXH cho vay vốn và cơ hội đổi đời đã bắt đầu từ đây. Hiện nay thì gia đình đã có số vốn ổn định để làm ăn lớn và tích lũy, tới đây tôi cũng sẽ hoàn trả vốn cho ngân hàng để ưu tiên cho những hộ nghèo khó hơn tôi”, chị Thị Bét tâm sự.

Hay như gia đình chị Thành Thị Sữa ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn từng là hộ cận nghèo trong xã, nhưng khi có nguồn vốn vay, gia đình chị đã triển khai mô hình chăn nuôi cừu, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình chị có cuộc sống khấm khá hơn. Chị Sữa chia sẻ: “Nhờ có vốn vay của NHCSXH, lãi suất lại ưu đãi nên gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi cừu tạo việc làm quanh năm. Với đàn cừu hơn 30 con cùng với công việc đồng áng và đi làm thuê của chồng, bình quân mỗi năm gia đình tôi cũng thu về hơn 60 triệu đồng…”.

Đánh giá về hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc Lê Kim Hoàng cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ấm no hơn. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị 67 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mặc dù địa phương còn nhiều việc phải lo, nhưng huyện đã bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện 650 triệu đồng. Trong thời gian tới huyện Thuận Bắc cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH huyện hoạt động hiệu quả, giúp người nghèo có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

PV

Các tin bài khác