Vốn vay ưu đãi tiếp sức nông dân
Dọc kinh Rạch Ruộng, ấp Thạnh Hưng, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, nhiều hộ dân tận dụng mặt bờ kinh để trồng hoa màu, vừa đỡ công làm cỏ, vừa có thêm thu nhập. Trong đó, mô hình trồng bông cúc mang lại lợi nhuận khá, được nhiều hộ áp dụng. Anh Nguyễn Quốc Điền, vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư ban đầu cho mô hình này. Anh cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, tôi yên tâm đầu tư trồng bông với số lượng nhiều và trồng thường xuyên hơn. Một thiên bông đầu tư vốn khoảng 6 triệu đồng. Mỗi vụ 3 tháng, tôi trồng từ 3 - 4 thiên bông, sau khi trừ chi phí, tôi kiếm lời chừng 6 - 8 triệu đồng. Nếu không có vốn vay NHCSXH, tôi rất khó xoay xở phát triển mô hình này”.
Gia đình anh Điền có 6 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng. Chưa kể vợ anh đang chăm sóc 2 con nhỏ, chưa tham gia lao động kiếm thêm thu nhập được nên đời sống gia đình khá chật vật. Nhờ áp dụng mô hình tận dụng mặt bờ kinh trồng bông cúc, gia đình dần vơi bớt khó khăn. Anh Điền cho biết: “Có vốn vay chính sách, tôi yên tâm canh tác, nhẹ lo vốn xoay vòng. Tôi dự định, nếu được tăng vốn, tôi sẽ đầu tư trồng bông chậu dịp Tết để thu nhập nhiều hơn nữa”.
Anh Võ Thanh Phương, ngụ cùng ấp Thạnh Hưng cũng vay 30 triệu đồng trồng bông cúc. Cẩn thận bao lưới từng bông, anh Phương cho biết, anh được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn, trồng hoa hơn 1 năm nay. Mới ban đầu, trồng thử 1 thiên bông, nhờ có nguồn vốn vay NHCSXH, hiện nay, mỗi vụ anh trồng khoảng 3 thiên bông, lợi nhuận cao hơn nhiều so với tỉa đậu trước đây.
Theo NHCSXH huyện Cờ Đỏ, hiện tại, nhu cầu vay vốn chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện còn nhiều. Chủ yếu các nông hộ sử dụng vốn để đầu tư, phát triển SXKD tại chỗ, giải quyết việc làm cho lao động trong hộ gia đình. Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình này là 16 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn phân bổ từ Trung ương là 13,5 tỷ đồng và nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện ủy thác cho NHCSXH cho vay là 2,5 tỷ đồng. Nguồn vốn cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của bà con trên địa bàn. Đến hết tháng 4/2019, dư nợ cho vay giải quyết việc làm là 15,4 tỷ đồng, với 523 hộ vay vốn còn dư nợ.
Ông Ông Văn Nghiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hưng cho biết: “Hội đang quản lý nguồn vốn ủy thác của NHCSXH với tổng dư nợ là 22 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, đặc biệt là thời gian cho vay dài (tối đa 5 năm), giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, giảm áp lực trả nợ. Nhờ đó, đồng vốn được tận dụng hiệu quả, giúp bà con xây dựng mô hình kinh tế ổn định”.
Anh Nguyễn Văn Tùng ở ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng được địa phương bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình này để đầu tư mô hình nuôi lươn. Theo anh Tùng, chi phí xây 4 bồn nuôi lươn và trang bị hệ thống ống dẫn nước, máy bơm,… đã hết 40 triệu đồng; ngoài ra, còn con giống và chi phí thức ăn. Mỗi vụ nuôi kéo dài 7 tháng mới thu hoạch. Vốn vay NHCSXH tuy chỉ hỗ trợ một phần nhưng giúp bà con yên tâm đầu tư và có thể xoay vòng nguồn vốn. Qua đó, phát huy vai trò tiếp sức cho nông hộ làm kinh tế thuận lợi hơn.
Với nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH, ấp Thạnh Phú 2 phát triển thành công Tổ hợp tác nuôi lươn với 14 hộ tham gia, thu nhập rất ổn định. Ông Văn Nghiệp chia sẻ: “Nhu cầu vay vốn của bà con còn rất nhiều. Nếu được bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm, tôi sẽ tham mưu chính quyền xã chỉ đạo phát triển một số mô hình giải quyết việc làm tại địa phương như đan dây nhựa, mua bán nhỏ và mô hình hợp tác làm thuê. Trong đó, mô hình hợp tác làm thuê sẽ tập hợp lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, chuyên làm thuê, làm mướn… Sử dụng vốn vay chương trình giải quyết việc làm, sẽ đầu tư mua máy xịt thuốc, sạ hàng, rải phân,… giúp các lao động này có phương tiện, điều kiện thuận lợi để mưu sinh, tăng thu nhập”.
Đến nay, tổng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của toàn TP Cần Thơ là 327 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn Trung ương là 164 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 163 tỷ đồng). Chương trình cho vay này của NHCSXH đang phát huy vai trò đòn bẩy, hỗ trợ nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch,… Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ngày một bền vững.
Bài và ảnh Mỹ Tú
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » NHCSXH hưởng ứng ngày khoa học công nghệ Việt Nam
- » Kỳ vọng mới từ việc nâng hạn mức tối đa tín dụng chính sách
- » Hiệu quả nguồn vốn cho vay hộ nghèo
- » Nguồn vốn giải quyết việc làm tạo việc làm ổn định
- » Động lực thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS
- » Tiếp sức nông thôn mới Vĩnh Thạnh
- » Tiết kiệm để thoát nghèo bền vững hơn
- » Diện mạo mới ở Lâm Bình
- » Tín dụng chính sách tạo đà giảm nghèo bền vững ở Nghệ An