Động lực thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS

15/05/2019
(VBSP News) Nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà nhiều vùng đồng bào DTTS ở Quảng Nam đã phát triển các mô hình SXKD, vươn lên thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Minh Nguyệt chăm sóc vườn keo hình thành từ vốn vay của NHCSXH

Chị Hồ Thị Minh Nguyệt chăm sóc vườn keo hình thành từ vốn vay của NHCSXH

Mô hình điểm của người đồng bào Ca Dong

Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính thì có tới 9 huyện miền núi, vì thế mà tỷ lệ đồng bào DTTS khá lớn, trong đó có 18.927 hộ đồng bào DTTS nghèo, chiếm 56,6% dân số toàn tỉnh. Phần lớn hộ đồng bào DTTS sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp trên địa bàn 93 xã thuộc 12 huyện và tập trung chủ yếu tại 6 huyện miền núi vùng cao: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn.

Do nằm ở các vùng núi, đi lại khó khăn nên thời gian qua, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua nhiều chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS được triển khai đồng bộ, hiệu quả nguồn vốn được phát huy, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.

Theo NHCSXH tỉnh Quảng Nam, trong tổng số 17 chương trình tín dụng chi nhánh đang thực hiện, có 2 chương trình dành riêng cho hộ đồng bào DTTS gồm Cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; Cho vay để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, với tổng dư nợ đạt 73 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn ưu đãi này, đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD hiệu quả. Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư huyện ủy Bắc Trà My chia sẻ, từ ngày có hoạt động của NHCSXH tại huyện, bà con tham gia vay vốn SXKD ngày càng nhiều. Điều quan trọng nữa là nhận thức của người dân trong huyện đã thay đổi, khắc phục được tình trạng trông chờ ỷ lại vào những nguồn vốn “cho không”.

“Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 46%, nhưng đó cũng là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong huyện”, bà Dung nói và khẳng định phải cố gắng hơn nữa để đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của toàn huyện xuống mức 29%.

Đến nay, huyện Bắc Trà My đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu này như nâng cao trách nhiệm của MTTQ và các hội, đoàn thể; kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH với sự tham gia của Chủ tịch UBND các xã; hướng dẫn bà con những mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm, thấm lâu” để người dân hiểu được ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi đối với SXKD…

Đến thăm chị Hồ Thị Minh Nguyệt ở thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, có thể thấy sự đổi đời của gia đình người Ca Dong này là từ hỗ trợ của đồng vốn ưu đãi của NHCSXH. Xây dựng gia đình sớm với anh Hồ Văn Biên - người cùng thôn, hai vợ chồng chị Nguyệt quanh năm đi làm thuê và sống trong ngôi nhà tạm bằng vách nứa. Cuộc sống khó khăn cứ thế trôi đi, đến năm 2013 gia đình chị Nguyệt tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, được các tổ chức đoàn thể giới thiệu đến nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Chị dùng 30 triệu đồng vốn vay mua lợn giống về nuôi, khi có lãi, chị mở rộng sang trồng cây keo. Vậy là không chỉ thoát nghèo từ năm 2018, gia đình chị còn có khoảng 30 con heo thịt, 7 con heo giống và hơn 5ha cây keo. “Vào cuối năm nay, vườn keo sẽ thu hoạch và có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng”, chị Nguyệt hồ hởi.

Khác với chị Nguyệt, chị Hồ Thị Danh lại có duyên với vốn vay NHCSXH từ chính ngôi nhà của mình khi được vay chương trình nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg từ năm 2011 với chỉ 8 triệu đồng. Sau khi “bén duyên” với nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Danh lại xin vay 25 triệu đồng dành cho hộ nghèo để chăn nuôi bò và trồng keo. Nhờ biết cách làm ăn mà gia đình chị Danh đã thoát nghèo và có lưng vốn là 3,5ha keo và 4 con bò.

“Không chỉ giúp vợ chồng tôi xây được nhà mà còn giúp có vốn SXKD, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH rất thiết thực với những hộ nghèo ở nông thôn, miền núi”, chị Danh tâm sự.

Thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo

Đó chỉ là 2 trong những điển hình của hộ đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi làm ăn hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện còn có nhiều tấm gương thoát nghèo như thế: anh Nguyễn Văn Lượng - một hộ nghèo người dân tộc Ca Dong đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2008, nay anh có trên 20 nghìn gốc sâm, trở thành hộ giàu của huyện Nam Trà My; hay hộ gia đình ông Ra Pát Mơi ở thôn A Tép 2, xã Bhalêê, huyện Tây Giang là hộ nghèo thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi. Năm 2009, ông vay 5 triệu đồng để trồng rừng, đến nay gia đình đã có 4ha keo lá tràm cùng 5 con bò và đã thoát nghèo bền vững…

Cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình chị Hồ Thị Danh

Cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình chị Hồ Thị Danh

Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam, có được kết quả trên, ngoài các chương trình của Trung ương, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về khuyến khích thoát nghèo bền vững, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào DTTS và miền núi.

Thông qua vay vốn, đồng bào người DTTS đã tiếp cận được môi trường tín dụng, kinh nghiệm làm ăn, áp dụng KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, cho không của Nhà nước mà có ý thức tự vươn lên, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, nhất là mục tiêu giảm nghèo.

Nếu như năm 2007, có trên 80% hộ đồng bào DTTS đói nghèo thì nay chỉ còn hơn 30% hộ nghèo, nhất là từ năm 2012 đến năm 2017, bình quân mỗi năm giảm 5,23% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình nhờ nguồn vốn này đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, sạch, đẹp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cũng như sinh hoạt… Qua đó, nâng cao năng suất SXKD, cải thiện cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, nhất là góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của đồng bào DTTS trong toàn tỉnh đạt 28%; hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 81%; tại khu vực miền núi có 10/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 20% xã đạt chuẩn văn hóa. Sau 10 năm thực hiện, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần vào việc giúp cho hộ đồng bào DTTS cải thiện đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, chủ trương của Nhà nước được thường xuyên và hiệu quả hơn, nhằm nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo cho hộ đồng bào DTTS, trách nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Bài và ảnh Quang Cảnh

Các tin bài khác