Hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới từ vốn vay ưu đãi

13/05/2019
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Cam Lộ (Quảng Trị) luôn chủ động đồng hành với người dân trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Vốn vay chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trang trại chăn nuôi gà Cùa của anh Phạm Hữu Phương

Trang trại chăn nuôi gà Cùa của anh Phạm Hữu Phương

Để đạt được mục tiêu huyện nông thôn mới trước năm 2020, thời gian qua huyện Cam Lộ tích cực triển khai hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, lấy tiêu chí tăng thu nhập và sự hài lòng của người dân làm tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện các tiêu chí, trong đó có sự hỗ trợ, đồng hành từ nguồn vốn vay chính sách xã hội. Đặc biệt, mới đây NHCSXH huyện phối hợp các địa phương giải ngân cho vay gần 3,6 tỷ đồng từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm để giúp các xã xây dựng vườn mẫu và hỗ trợ xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trang trại nuôi gà của anh Phạm Hữu Phương ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa là 1 trong 41 dự án chăn nuôi gà ở hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa được NHCSXH huyện Cam Lộ cho vay đầu tư xây dựng thương hiệu gà Cùa với tổng vốn gần 2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng. Đây là chương trình phối hợp thực hiện giữa NHCSXH huyện với địa phương để triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến tới tiêu chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế của địa phương hiện có, nâng cao giá trị, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng phấn đấu đưa địa phương đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước năm 2020. Mô hình tận dụng vườn cao su đã khép tán của gia đình để chăn nuôi gà đã được anh Phương thực hiện từ năm 2017. Nhờ cách chăn nuôi theo hướng an toàn, cho gà ăn các loại thức ăn có nguồn gốc tự nhiên như lúa, bột bắp, bả sắn sấy khô… kết hợp nuôi thả vườn nên chất lượng thịt thơm, ngon được thị trường ưa chuộng.

Sau khi được NHCSXH giải ngân cho vay 50 triệu đồng, anh Phương đã phối hợp VNPT Quảng Trị làm mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gà của mình với tên gọi “Gà Cùa Phương gia trang”; đồng thời phối hợp Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO) liên kết sản xuất gà sạch bằng cách QTO cung cấp cho trang trại lúa hữu cơ làm thức ăn cho gà, anh Phương cung ứng gà thương phẩm cho siêu thị nông sản hữu cơ Quảng Trị. Hiện trang trại của anh Phương nuôi trung bình 5.000 con gà thương phẩm/lứa. Không chỉ cung ứng gà cho thị trường trong tỉnh, thương hiệu “Gà Cùa Phương gia trang” còn được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh…

Hiện anh Phương đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà hàng chế biến các món ăn từ gà do anh nuôi theo ý tưởng “từ trang trại đến bàn ăn” để quảng bá hơn nữa thương hiệu gà Cùa đến người tiêu dùng. Để đa dạng nguồn thực phẩm cho nhà hàng, ngoài giống gà nhà nuôi thả, anh Phương đã nuôi thêm ở trang trại một số giống gà lai chọi, gà ác, vịt trời, heo rừng… “Đối tượng mà tôi hướng đến là khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Khách đến Cùa, thưởng thức gà Cùa chắc chắn sẽ ấn tượng hơn ăn gà Cùa được chế biến ở một địa danh khác. Tôi nghĩ đó là cách thiết thực góp phần xây dựng thương hiệu gà Cùa trở thành một sản phẩm OCOP có thế mạnh của địa phương”, anh Phương chia sẻ.

Đồng hành với các địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ trong xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện đã tích cực phối hợp các hội, đoàn thể của các xã triển khai kịp thời các chương trình cho vay. Qua đó đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình và thực hiện các tiêu chí chưa đạt theo quy định. Trong đó, các xã đã tập trung cho vay một số chương trình chính như: Hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, SSV, NS&VSMTNT, giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Đây là những chương trình cho vay giúp người dân tập trung thực hiện các tiêu chí quan trọng thuộc về nhân dân tự làm đó là tiêu chí giảm nghèo, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường. Trong quá trình tạo điều kiện cho vay vốn, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo vốn vay phải được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn.

Hiện nay NHCSXH huyện Cam Lộ đang thực hiện 14 chương trình cho vay trên địa bàn toàn huyện với tổng dư nợ trên 222 tỷ đồng. Không chỉ giúp người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, NHCSXH huyện còn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền và các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức hướng dẫn các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng… Tăng cường củng cố, mở rộng hệ thống điểm giao dịch lưu động tại các xã và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, phân công cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn cụ thể, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Lâm Thanh

Các tin bài khác