Cú hích để phát triển kinh tế gia đình
Đa dạng mô hình sản xuất
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Trần Quốc Dũng ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa thuộc diện hộ nghèo. Nhà tranh vách đất, hai vợ chồng làm thuê làm mướn suốt ngày vẫn không đủ nuôi 5 miệng ăn. Thấy vậy, đại diện Chi hội Nông dân thôn đã hướng dẫn ông Dũng làm hồ sơ vay vốn hộ nghèo từ NHCSXH.
Với 15 triệu đồng tiền vay, ông Dũng mua bò về nuôi và gây đàn. Bò lớn, ông bán bớt để trả nợ, rồi vay lại vốn hộ cận nghèo để chăn nuôi tiếp. Đến năm 2016, hộ ông Dũng thoát nghèo. “Được vay 45 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo, mức vay gần như cao nhất lúc bây giờ, tôi mạnh dạn mượn thêm tiền họ hàng để mua 1,5ha rẫy ở Đồng Dinh để trồng khóm. Ngoài ra, tôi còn xen canh mít, chuối, đu đủ… trên diện tích rẫy này. Nhờ vậy, hàng năm, thu nhập của gia đình tăng lên khoảng 100 triệu đồng. Đây là mức thu nhập mà hơn 10 năm trước, chúng tôi có mơ cũng không nghĩ mình làm được”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng nhờ vốn mồi từ NHCSXH mà gia đình bà Đàm Thị Cầu ở khu phố 9, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh có cơ hội cải thiện cuộc sống. Trước giải phóng, bà Cầu là bộ đội văn công hỏa tuyến. Năm 1981, vợ chồng bà từ miền Bắc vào Sông Hinh lập nghiệp.
Thời gian đầu khai hoang, trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhưng khó nhất vẫn là thiếu vốn để tái đầu tư, sản xuất. Năm 2015, bà được tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH ủy thác cho Hội CCB thị trấn.
Từ 40 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, bà đầu tư trồng 2ha cao su, đến nay cao su đã cho thu hoạch, đủ chi phí trang trải cuộc sống. Gia đình bà cũng từng bước thoát nghèo. “Nếu không có vốn ưu đãi của ngân hàng, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có tiền để dành”, bà Cầu nói.
Còn theo ông Trương Văn Dũng ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, từ ngày được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Tuy An, gia đình ông có thêm tiền để mua tre, dầu rái và thuê nhân công về làm thúng chai. Nhờ vậy, số thúng cơ sở của ông Dũng làm ra tăng gấp đôi, lên 40 thúng/tháng, thu nhập của người làm nghề cũng tăng lên.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Để giúp hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, hàng năm, các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch, phối hợp với NHCSXH và các ngành chức năng của địa phương tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi… cho hội viên. Các lớp tập huấn này giúp hộ vay nắm vững thông tin, kiến thức và áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đại diện Hội Phụ nữ huyện Tây Hòa, nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết hợp tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn…, nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức SXKD.
Các chị chú trọng nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại và phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống gia đình, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tính riêng trong năm 2018, toàn huyện có 809 phụ nữ nghèo làm chủ hộ trong tổng số 1.603 hộ nghèo được vay vốn, trong đó có nhiều chị vươn lên đạt hộ khá và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ nông thôn.
Ông Hồ Văn Thục - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên đề nghị: Thời gian tới, căn cứ vào đặc điểm tình hình và thế mạnh từng địa phương, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp tập huấn dành riêng cho người nghèo để hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi và trồng trọt, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư… để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào SXKD, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Phú Yên trong những năm qua đã giúp cho hơn 80.000 hộ thoát nghèo; khôi phục, duy trì và phát triển hơn 40 làng nghề, thu hút tạo việc làm cho hơn 41.000 lao động; gần 41.000 lượt hộ SXKD vùng khó khăn được vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống. |
Bài và ảnh Lê Hảo
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Kế hoạch tổ chức và Thể lệ Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019
- » Công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu Quốc gia
- » Đổi đời từ vốn chính sách
- » Niềm vui trên quê lúa Thái Bình
- » Tín dụng ưu đãi đang “bắt sóng” ở Đắk Hà
- » Nghệ An huy động nhiều nguồn lực để cho vay ưu đãi hiệu quả
- » Cán bộ NHCSXH rèn đức, luyện nghề, sáng tạo
- » Tín dụng tìm đến người nghèo nhanh nhất
- » Thoát nghèo từ trồng cây sâm quý