Niềm vui trên quê lúa Thái Bình
Ông Vũ Văn Thuân - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình cho biết, để có đủ nguồn vốn ưu đãi đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh luôn chủ động tranh thủ, tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương, đồng thời tập trung huy động tiền gửi tiết kiệm, thu nợ cho vay quay vòng…
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhất là chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang để tăng nguồn lực tại chỗ. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn ủy thác từ các huyện, địa bàn tăng thêm 1 tỷ đồng, nâng tổng số vốn toàn địa bàn ủy thác cho NHCSXH lên trên 35 tỷ đồng.
Với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng khắp thôn, xóm ở một địa bàn có nhiều xã nhất so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (268 xã, bình quân 38 xã/huyện), cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Thái Bình đã bám sát cơ sở để vừa chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, vừa triển khai thực hiện đầy đủ hiệu quả các quy định mới, các chương trình tín dụng mới, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại nơi “đất chật người đông”, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thâm canh đồng ruộng, phát triển sản xuất hàng hóa…
Cùng với việc tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể duy trì hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Thái Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư giúp người nghèo nhận thức được mục đích, nội dung, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, việc chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác tín dụng chính sách được sâu sát, thiết thực hơn, những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất giỏi, nhờ sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cũng được phát triển, biểu dương khuyến khích thúc đẩy phong trào thi đua giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Ở huyện Thái Thụy - địa phương từng là “rốn” nghèo của tỉnh Thái Bình - nay đã đạt những kết quả khả quan về chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, NHCSXH đã cùng các cấp ngành tại địa bàn hàng năm tạo điều kiện thuận lợi giải quyết cho 100% hộ nghèo và các đối tượng vay vốn thuận tiện.
Gia đình bà Trần Thị Thanh ở thôn Kiên Thắng, xã Thái Thụy cuối năm 2016 đã được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Thái Thụy để cải tạo ao, mua con giống tốt, nuôi cá vược, tôm thẻ chân trắng. Đến nay, bà đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 2ha, ngoài ra còn nuôi thêm 1 cặp bò sinh sản, thâm canh 7 sào vườn cây ăn quả. Nhờ biết tính toán, lại làm theo kỹ thuật nên mô hình kinh tế VAC không những giúp gia đình bà Thanh thoát nghèo, thu nhập ổn định, lại còn đảm bảo đủ điều kiện để NHCSXH xét duyệt nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng đối với chương trình cho vay hộ nghèo.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Thái Thụy đạt 424 tỷ đồng với gần 20 nghìn khách hàng còn dư nợ, trong đó quá nửa lượng vốn được tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã xây dựng nông thôn mới và các hộ nghèo tham gia chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác đầm lầy, bãi ngang để nuôi tôm, cua, cá nước lợ.
NHCSXH tỉnh Thái Bình đang tăng cường phối hợp với các cấp ngành trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, trong đó có việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, góp phần đắc lực cho công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo thêm giải pháp cùng ngành ngân hàng đẩy lùi tín dụng phi chính thức, tạo hành lang rộng rãi tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước cho người dân.
Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Tín dụng ưu đãi đang “bắt sóng” ở Đắk Hà
- » Nghệ An huy động nhiều nguồn lực để cho vay ưu đãi hiệu quả
- » Cán bộ NHCSXH rèn đức, luyện nghề, sáng tạo
- » Tín dụng tìm đến người nghèo nhanh nhất
- » Thoát nghèo từ trồng cây sâm quý
- » Nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đối với đồng bào DTTS
- » Tiết kiệm giúp hộ nghèo yên tâm sử dụng vốn
- » Phụ nữ Điện Biên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- » Những mô hình thoát nghèo ở vùng biên