Phụ nữ Điện Biên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Gia đình bà Lò Thị Ọi ở bản Kéo, xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Ảng Cang. Trước đây, gia đình bà gặp không ít khó khăn do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn, từ khi tham gia sinh hoạt hội được cán bộ phụ nữ các cấp hội tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã giúp bà thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.
Nhận thấy nuôi cá phù hợp với điều kiện của gia đình lại cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2015 được sự tín chấp của Hội LHPN xã, bà đã mạnh dạnh vay 50 triệu đồng vốn từ NHCSXH để mở rộng diện tích ao nuôi cá lên 1.500m2. Bà thả chủ yếu các giống cá: Trắm, trôi, chép, mè và rô phi. Nhờ biết áp dụng KHKT nên cá phát triển tốt, cho thu nhập ổn định hàng năm trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình bà còn nuôi thêm bò, lợn sinh sản, gia cầm và trồng rừng kinh tế.
Bà Lò Thị Ọi cho biết: “Từ sự nỗ lực đầu tư thì bây giờ đình mình đã ổn định. Trước mình vay vốn lúc đầu cũng thấy lo, sau một một thời gian chăn nuôi, trồng trọt lãi ngân hàng cũng trả được rồi đến gốc cũng trả xong. Bây giờ mình cũng biết làm ăn phát triển kinh tế theo kỹ thuật; kinh tế ổn định thì gia đình cũng có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ”.
Hiện nay, Hội LHPN xã Ảng Cang hiện có 1.400 hội viên tham gia sinh hoạt tại 21 chi hội. Để thu hút được chị em tham gia vào tổ chức hội, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Duy trì ký ủy thác với NHCSXH huyện cho hàng trăm hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với các phòng ban chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Cầm Thị Tiện - Chủ tịch Hội LHPN xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng cho biết: Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt, thời gian qua, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh đã quyết tâm “Tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”.
Ðể hội viên có nguồn vốn quay vòng hiệu quả trong phát triển kinh tế, thời gian qua các cấp hội tăng cường phát huy vai trò cầu nối, khai thác các nguồn lực vốn. Tính đến đầu năm 2019, Hội LHPN tỉnh quản lý 552 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền dư nợ tại NHCSXH trên 661 tỷ đồng, với trên 19.800 thành viên tham gia. Cùng với đó, Quỹ tiết kiệm với dư nợ hơn 33 tỷ đồng giúp đỡ về vốn cho hơn 24.900 hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế.
Để các hội viên phụ nữ được vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, thu hút hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ tham gia.
Thông qua các lớp tập huấn, các hội viên nắm chắc và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước kia. Các mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao phải kể đến như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn; mô hình lúa chất lượng cao; mô hình gà Ai Cập.v.v…
Chị Lò Thị Quý, Bản Viêng Kham, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: “Tham gia Hội Phụ nữ thì tôi cũng được nghe tuyên truyền về các phong trào thi đua của Hội và tôi cũng quyết tâm thực hiện. Ban đầu gia đình xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, sau khi xuất chuồng một vài lứa thấy có hiệu quả nên gia đình tôi quyết định mở rộng thêm chăn nuôi và làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hàng năm thu nhập của gia đình cũng được hơn 100 triệu đồng, cuộc sống đã ổn định và hoàn trả được số vốn vay ban đầu của hội”.
Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ được các cấp Hội LHPN quan tâm. Trong những năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động nữ, góp phần đưa tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt trên 43%, trong đó có 70% có việc làm sau học nghề. Các hoạt động đó đã giúp chị em có thêm việc làm, thu nhập ổn định, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Bà Mào Thị Bạn - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác chăm lo cho hội viên phụ nữ được Hội thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn vay, tương trợ giúp nhau về con giống ngày công, tập trung phát triển các mô hình tài chính tự quản tạo nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ NHCSXH.
Đồng thời vận động hội viên tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chúng tôi cũng triển khai quyết định 938 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các mô hình liên kết sản xuất, liên kết các với các doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Phối hợp với các sở ngành mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên.
Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững của Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào thường xuyên của Hội. Hiệu quả và ý nghĩa của các hoạt động chính là sức mạnh thu hút các cán bộ hội, chị em xây dựng tổ chức hội vững mạnh, cũng từ đó công tác chăm lo đời sống tinh thần của phụ nữ được tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh Lê Dương
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Tín dụng ưu đãi đang “bắt sóng” ở Đắk Hà
- » Tiết kiệm giúp hộ nghèo yên tâm sử dụng vốn
- » Những mô hình thoát nghèo ở vùng biên
- » Đoàn công tác HĐQT NHCSXH làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận
- » Mang niềm yêu thương đến Thành phố Cảng
- » Vốn chính là giá trị nhân văn
- » Vốn chính sách tạo động lực chuyển đổi cây trồng hiệu quả
- » Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trên miền rừng núi Ba Tơ
- » Giúp hộ nghèo gây dựng vườn cây, đàn vật nuôi