Vốn chính là giá trị nhân văn
Với vị trí địa lý không thuận lợi, địa bàn cách xa trung tâm tỉnh Đắk Lắk, hạ tầng kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, K’rông Năng được xác định là huyện khó khăn của Đắk Lắk. Địa phương có 9 trong số 12 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn. Số hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khá cao. Địa phương hiện có 2.951 hộ nghèo, 5.485 hộ cận nghèo; số hộ đồng DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 31,19% trên tổng gần 30 nghìn hộ dân đang sinh sống, làm ăn tại địa phương. Đây là thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo của chính quyền địa phương .
Song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhiều giải pháp hiệu quả đã được đưa ra để tạo điều kiện cho người dân từng bước vươn lên trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Theo ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện K’rông Năng, địa phương hiện còn đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các Ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn và sự chỉ đạo trực tiếp của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk, NHCSXH huyện K’rông Năng đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Sự hỗ trợ của NHCSXH đã giúp người dân nghèo có vốn làm ăn, có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Chính nguồn vốn vay từ NHCSXH đã góp phần giúp hàng ngàn hộ dân của K’rông Năng phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo trong những năm qua.
Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Hòa, ở xã Tam Giang, mặc dù sở hữu hơn 1.1ha đất sản xuất, song trước đây vì không có vốn nên gia đình không thể đầu tư trồng cây công nghiệp, cuộc sống luôn chật vật, thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, từ khi được vay vốn từ NHCSXH, đến nay hộ ông Hòa đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất tiêu biểu của xã Tam Giang.
Ông cho hay, chính từ nguồn tín dụng chính sách, gia đình đã có cơ sở để đầu tư vào vườn cây, chăn nuôi… đem lại hiệu quả thấy rõ. Hiện gia đình vẫn còn dư nợ 30 triệu đồng, vay theo chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Ông Phan Gia Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang cho biết, phần lớn các hộ dân đều sản xuất nông nghiệp, do đó nhu cầu sử dụng vốn rất cao. Chính sự vào cuộc của NHCSXH huyện K’rông Năng đã góp phần tích cực cải thiện hoạt động sản xuất của người dân.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện K’rông Năng, Mai Văn Trâm thời gian qua, với sự chỉ đạo kịp thời của NHCSXH tỉnh và bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị đã có sự phối hợp có hiệu quả với các Ban ngành, tổ chức hội nhận uỷ thác cho vay nên hoạt động của đơn vị đạt được kết quả khả quan.
Nguồn vốn được phân bổ kịp thời, giải ngân cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Nhà nước. Cùng với việc tăng về khối lượng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng ngày càng được nâng cao, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đều trả nợ, trả lãi đúng hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp dưới 0,07%.
Ông Trâm khẳng định, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong giảm nghèo bền vững, tạo việc làm mới cho người dân địa phương, có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc.
Bài và ảnh Công Thái
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Đoàn công tác HĐQT NHCSXH làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận
- » Mang niềm yêu thương đến Thành phố Cảng
- » Vốn chính sách tạo động lực chuyển đổi cây trồng hiệu quả
- » Giúp hộ nghèo gây dựng vườn cây, đàn vật nuôi
- » Tín dụng ưu đãi đồng hành cùng đồng bào DTTS
- » Sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách
- » Lâm Đồng xây dựng Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn
- » Viện Chiến lược Ngân hàng làm việc với NHCSXH
- » Chuyện “Startup”ở Bố Trạch