Sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách

03/04/2019
(VBSP News) Những năm qua, vốn vay của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp người dân giảm nghèo, tạo việc làm ổn định. Vốn vay được sử dụng hiệu quả cũng giúp chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao.
Người nghèo ở Bắc Kạn vay vốn nuôi lợn

Người nghèo ở Bắc Kạn vay vốn nuôi lợn

Kịp thời hỗ trợ sản xuất

Chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây ăn quả của ông Ðinh Duy Lý ở thôn Khuổi Nằn 2, xã Lương Hạ, huyện Na Rì. Từ chỗ chỉ là khu đồi cây bụi, giá trị kinh tế thấp, ông Lý đã xây dựng được một trang trại chuyên canh cây ăn quả, mở đường ô tô vào tận nơi. Sau vài chục phút đi xe, hiện ra trước mắt chúng tôi là những đồi cây cam, quýt, bưởi Diễn, bưởi da xanh… ngút ngát mầu xanh trên diện tích 10ha. Ông Lý cho biết, cách đay hơn chục năm, ông mua 18ha đất đồi ở Khuổi Nằn 2 với ý định trồng cây lâm nghiệp, sau thử trồng cam đường Canh và bưởi Diễn. Mấy vụ đầu do trồng và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật cho nên năng suất không cao. Sau nhờ học hỏi thêm, những diện tích cây ban đầu đã cho quả sai, chất lượng tốt, bán được giá. Ông tính toán, với hiệu quả như vậy, nếu mở rộng được toàn bộ diện tích đất đã có thì sẽ thu lãi khá. Tuy nhiên, nếu trồng hết phải tốn hàng trăm triệu đồng và đó là số tiền quá lớn với gia đình ông. Ðược Hội Nông dân tư vấn, hướng dẫn, ông đã tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Có vốn, ông trồng thêm hơn 10ha cây ăn quả các loại, gồm: 2.000 cây cam đường Canh, 400 cây bưởi Diễn và hơn 500 cây quýt, dứa các loại… Hằng năm, sản lượng cam, quýt, bưởi của gia đình đạt hơn 30 tấn quả, với giá bán trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Sản xuất hiệu quả, ông Lý vừa trả được vốn vay, vừa có kinh phí làm đường vào trang trại và kéo điện vượt đồi về sử dụng.

Chia tay gia đình ông Lý, chúng tôi tới thăm xưởng chế tạo máy nông nghiệp đa chức năng của anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Pò Nim, xã Cường Lợi, huyện Na Rì. Có tay nghề sửa chữa xe máy, cộng với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn giúp đỡ nông dân, anh Tuấn đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp giá thành rẻ, hiệu suất cao. Máy có tám chức năng, gồm: cào cỏ, cuốc xới đất; làm phẳng mặt đất sau khi cuốc, xới đất ruộng, đất bãi; tự đánh rãnh, tra ngô, tra lân, vùi lấp đất; vun ngô; bơm phun áp lực cao; phát điện thắp sáng; thùng kéo; bơm nước tưới tiêu. Sở hữu công nghệ chế tạo, muốn mở xưởng sản xuất nhưng anh Tuấn lại thiếu vốn đầu tư. NHCSXH huyện Na Rì đã tạo điều kiện cho anh vay gần 200 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Có vốn, anh mở xưởng sản xuất, thành lập Hợp tác xã, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Xưởng chế tạo mỗi năm khoảng 100 máy, xuất bán với giá từ 14 đến 25 triệu đồng/chiếc.

Giám đốc NHCSXH huyện Na Rì Hoàng Văn Thái cho biết: “Ðến nay, nguồn vốn từ trung ương chuyển về địa phương đã tăng gấp gần 30 lần so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng hơn 25% và tăng thêm 11 chương trình cho vay. Chúng tôi ưu tiên vốn cho các hộ nghèo vay, các chương trình giải quyết việc làm gắn với thế mạnh nông, lâm sản của địa phương. Nhờ đó, đã có hàng trăm hộ phát triển thành công mô hình cây ăn quả ở các xã Kim Lư, Lương Hạ, Lam Sơn, Văn Minh, mang lại thu nhập bình quân từ 70 đến 100 triệu đồng/ha”. Theo NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2018 đến nay, chi nhánh hỗ trợ cho vay 1.918 tỷ đồng đối với 18.875 hộ nghèo, 5.758 hộ cận nghèo, 716 hộ mới thoát nghèo; 2.970 hộ vay vốn giải quyết việc làm; 10.373 hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường…

Hiệu quả, đúng đối tượng

NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chủ động, tích cực phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, củng cố 1.642 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản. NHCSXH huyện phối hợp tổ chức hội, đoàn thể lựa chọn những cá nhân có năng lực, nhiệt huyết, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, vốn đưa đúng đối tượng, đồng thời, người vay cũng được chính các tổ chức chính trị xã hội hướng dẫn sử dụng vào những mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả. Ðến nay, nhiều hội viên có vốn vay, được tư vấn kỹ thuật đã thoát nghèo, như: chị Triệu Thị Lưu chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, cho thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng; chị Triệu Thị Xuân chăn nuôi dê cho thu nhập mỗi năm hơn 60 triệu đồng; chị Triệu Thị Hà trồng 7ha rừng cho thu nhập mỗi năm hơn 55 triệu đồng.

NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và thường xuyên đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay; giải ngân trực tiếp tại các Điểm giao dịch xã. Ðơn vị thực hiện ủy thác từng phần, một số công đoạn trong quy trình tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội; bình xét công khai hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH các huyện đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của tất cả các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân, thường xuyên giám sát bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích. Phối hợp các hội, đoàn thể tập huấn nghiệp vụ ủy thác, kỹ năng quản lý cho Tổ tiết kiệm và vay vốn, rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hoạt động trung bình, yếu kém. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đơn vị đồng hành, kịp thời tháo gỡ, khắc phục rủi ro đối với nhiều hộ vay.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, Hà Sỹ Côn cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn thấp hơn bình quân chung cả nước, cơ bản vốn vay được người dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Chi nhánh sẽ tiếp tục củng cố chất lượng tín dụng, đồng thời, tăng cường phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp để người dân sử dụng vốn đạt hiệu quả nhất.

Bài và ảnh Tuấn Sơn

Các tin bài khác