“Thắp lửa” phong trào thanh niên phát triển kinh tế

25/03/2019
(VBSP News) Từ những ngọn đồi trọc tồn tại bao đời, qua đôi tay và khối óc của những thanh niên ham học hỏi ở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã mọc lên những vườn cam, nương dưa phủ xanh đất trống, hứa hẹn tương lai tươi sáng cho những người trẻ ở vùng đất còn nhiều khó khăn.
Bí thư Đoàn xã Nậm Sài tham quan mô hình trồng cam của đoàn viên Tẩn Láo Tả (bên trái)

Bí thư Đoàn xã Nậm Sài tham quan mô hình trồng cam của đoàn viên Tẩn Láo Tả (bên trái)

Anh Đào Văn Dũng, Bí thư Đoàn xã Nậm Sài dẫn chúng tôi ra quả đồi ngay sau UBND xã. Nhìn theo tay anh chỉ, chúng tôi thấy những đồi cam xanh tốt đã bắt đầu rợp bóng, người dân đang phát cỏ, vun gốc cho cây. Anh Dũng cho biết: Nậm Sài là xã hạ huyện của Sa Pa, không có nhiều điều kiện thuận lợi về du lịch nên phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên cũng có phần kém sôi nổi. Trước thực tế đó, Đoàn thanh niên xã Nậm Sài đã hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Nhận thấy cam là cây trồng lâu năm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, có giá trị về kinh tế nên chúng tôi đã khuyến khích đoàn viên phát triển giống cây này. Nậm Sài đang có 15ha cam, trong đó đa phần là các mô hình khởi nghiệp của thanh niên.

Ngay trước mặt là vườn cam của anh Tẩn Láo Tả, thôn Nậm Nhùi. Tả học hết THCS, do điều kiện gia đình khó khăn nên anh lập gia đình và ở lại địa phương tham gia phát triển kinh tế. Mong muốn thoát nghèo, nhưng Tả vẫn luôn loay hoay trong việc tìm hướng đi. Năm 2012, anh được tham quan mô hình trồng dưa hấu và cam của ông Nguyễn Danh Minh (một mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương), nhận thấy dưa hấu rất sai quả, có giá trị kinh tế, anh mạnh dạn học tập. Từ những quả đồi chỉ để cỏ dại mọc hoặc trồng ngô cho năng suất thấp, anh đã biến thành những nương dưa hấu xanh tốt, mỗi năm thu về 3 đến 4 tấn dưa. Tuy nhiên, dưa là cây trồng ngắn ngày, không thể trồng nhiều vụ trong năm, thời gian đất trống còn nhiều, năm 2017, anh tiếp tục đầu tư trồng cam. Anh trồng thử 200 gốc cam, sau hơn một năm chăm sóc, đến nay cam đã lên xanh tốt, bắt đầu ra hoa, phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Anh Tẩn Láo Tả cho biết: Để có được vườn cam như hiện tại, anh vay vốn ngân hàng mua phân bón, thuê nhân công và nhận hỗ trợ giống từ sự kết nối của Đoàn xã Nậm Sài. Trước khi trồng cam, anh đã tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng do Đoàn xã tổ chức, tham quan và học hỏi cách trồng cam từ những mô hình phát triển kinh tế đã thành công.

Ngay bên cạnh đồi nhà anh Tẩn Láo Tả là vườn cam của Chảo Láo Ú. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và đã đi dạy học, nhưng kết thúc hợp đồng sau 2 năm đi làm, Ú lại trở về quê làm kinh tế. Học hỏi từ mô hình của Tẩn Láo Tả, được sự hỗ trợ giống và tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam từ các buổi tập huấn do Đoàn xã tổ chức, anh trồng khoảng 100 cây cam ngay ngọn đồi sau nhà. Khi cam còn nhỏ, Ú trồng xen canh dưa hấu, mỗi năm xuất bán 4 đến 5 tấn dưa ra thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Hiện nay, hầu hết đoàn viên ở Nậm Sài tham gia phát triển kinh tế từ nông nghiệp tại địa phương. Các mô hình trồng cây ngắn ngày như rau, dưa hấu đã đem lại nguồn thu. Có khoảng 10 hộ thanh niên mạnh dạn trồng thử nghiệm cam, đã triển khai được gần 2 năm và đang phát triển rất tốt. Anh Đào Văn Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên xã Nậm Sài cho biết: Việc tiếp cận các nguồn vốn là một trong những rào cản lớn nhất của phong trào thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn. Để giải quyết khó khăn, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai đến tận các chi đoàn, như giới thiệu nguồn vốn của NHCSXH. Hiện tại, Đoàn thanh niên xã đang quản lý 3 tổ với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Đoàn xã Nậm Sài còn phát triển các mô hình khởi nghiệp dựa trên các chương trình, đề án lớn của huyện về phát triển kinh tế - xã hội để dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn từ huyện, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn trực tiếp từ các Mạnh Thường Quân… Nậm Sài cũng thường xuyên giới thiệu đến đoàn viên các mô hình khởi nghiệp thành công, triển khai tập huấn về phát triển kinh tế tại các buổi sinh hoạt đoàn. Khi nhận thức, suy nghĩ về việc phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp có sự chuyển biến, thì đoàn viên, thanh niên sẽ phát huy được tinh thần xung kích của tuổi trẻ, không ngại khó, ngại khổ để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh Như Thùy

Các tin bài khác