Hà Nam hướng tới kết quả bền vững cho các chương trình mục tiêu Quốc gia
Cụ thể đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 78/98 xã (79,6%) và 3/6 huyện (50%) đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 18/19 tiêu chí, không có xã nào đạt mức dưới 13 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,89%/năm giai đoạn 2016 - 2018, nay còn 3,13%, vượt so với mục tiêu đề ra từ 1,5% - 2%/năm. Có được kết quả khả quan trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, trong đó NHCSXH trên địa bàn Hà Nam đã tổ chức thực hiện đầy đủ, bài bản, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam, Thân Thị Hương những năm qua, đơn vị không chỉ bám sát các nghị quyết của Trung ương, địa phương, của NHCSXH Trung ương, phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn vốn mà còn tìm cho mình cách đi riêng, phù hợp trong công việc chuyển tải vốn nhanh chóng về tận làng xã, cho vay vốn thuận tiện, đúng địa chỉ, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách, chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Tính đến 3/2019, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Nam đạt hơn 1.797 tỷ đồng với 70.640 hộ còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt hơn 139 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt gần 921 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm gần 134 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân miền quê giữa châu thổ sông Hồng này thoát cảnh nghèo khó, kinh tế khá giả. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn Gốm xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng đã sử dụng 100 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Kim Bảng mua giống cây trồng, giống con vật nuôi tốt, xây dựng chuồng trại kiên cố, cải tạo ruộng lúa năng suất thấp thành ao cá, vườn cây ăn quả để dịp Tết Kỷ Hợi vừa rồi thu nhập hơn ba trăm triệu đồng.
Còn gia đình ông Lê Ngọc Đại, ngụ tại làng nghề Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên đến giờ đã có hẳn cơ sở dệt lụa với 10 cỗ máy và 6 thợ lành nghề, mỗi năm sản xuất hàng nghìn tám lụa mầu sắc phong phú, chất lượng cao, xuất bán thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, là có sự chung tay góp sức NHCSXH. “Nguồn vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm đã thực sự “tạo đà” cho gia đình tôi gìn giữ, mở rộng nghề dệt lụa truyền thống. Mong sao những người dân làng nghề Nha Xá được vay tiếp, vay thêm vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, làm giàu bằng sức lao động ngay trên quê nhà”, ông Đại tâm sự.
Xã Công Lý, huyện Lý Nhân cũng nhờ tác động nguồn vốn ưu đãi đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với công tác giảm nghèo bền vững, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 2,8%. Đời sống của người dân ngày càng ổn định. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết, các chương trình tín dụng chính sách đối với Công Lý được coi như “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp nông dân tích cực thâm canh đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại.
Miền quê Hà Nam vốn hồi nào còn bình lặng, ngày nay đã bật dậy trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là tạo ấn tượng về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới bởi có sự chung tay góp sức của NHCSXH. Những người làm tín dụng chính sách nơi đây đã nỗ lực hành động theo phương châm “3 cùng” tất cả vì dân nghèo. Tuy nhiên nội dung và hình thức thực hiện phương châm đó ngày nay khác trước rất nhiều, không còn cảnh nơi giao dịch tạm bợ, việc giải ngân, thu lãi, thu nợ bằng phương pháp thủ công, lạc hậu, thay vào đó là hệ thống 116 Điểm giao dịch/116 xã, phường giúp người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tại thôn xóm góp phần chuyển tải kịp thời, công bằng mọi đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; đặc biệt công tác đổi mới quy trình, thủ tục cho vay cũng như phương pháp tập trung, ưu tiên các dự án kinh tế trọng điểm và các xã xây dựng nông thôn mới đã làm cho nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ nỗ lực đó, nguồn vốn ưu đãi đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, có tác dụng tích cực, mạnh mẽ tới chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở tất cả các huyện, thành phố. Tình trạng nông dân bên dòng sông Hồng và ven quốc lộ số 1 thuộc tỉnh Hà Nam phải đi vay “nóng” ở bên ngoài chịu lãi suất cao đã chấm dứt.
Để hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn phát triển ổn định, vững chắc, NHCSXH tỉnh Hà Nam đẩy mạnh tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn; tiếp tục chủ động tham mưu với cấp Ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và hội nhằm giúp nông dân giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Nguyễn Đông
Các tin bài khác
- » Giám sát việc triển khai nguồn vốn địa phương cho vay ưu đãi
- » Nghị lực thoát nghèo của phụ nữ vùng DTTS
- » Đổi thay trên vùng chiến khu xưa
- » Ban Kinh tế Trung ương làm việc với NHCSXH
- » Mang yêu thương đến miền đất đỏ huyền thoại Tây Nguyên
- » Nhân đôi mức vốn vay cho người nghèo
- » Nâng hạn mức vốn vay chính sách
- » “Bí quyết” để hộ nghèo khó có đàn bò khỏe đẹp
- » Chuyện xóa nghèo ở miền biên viễn Giang Thành
- » Nông dân Trạm Tấu thoát nghèo nhờ vốn vay