Chuyện xóa nghèo ở miền biên viễn Giang Thành

05/03/2019
(VBSP News) Giang Thành là tên gọi một huyện mới của tỉnh Kiên Giang, nằm trên vành đai biên giới Tây Nam, giáp Campuchia, có 5/5 đơn vị hành chính cấp xã đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn và khoảng 29 nghìn dân, trong đó gần 2/3 là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống gặp nhiều gian nan thiếu thốn, số hộ nghèo vào thời điểm 8 năm về trước còn đến 47%. Mấy năm gần đây, nhờ thực hiện Nghị quyết chuyên đề của địa phương về giảm nghèo ở các huyện biên giới và tập trung thực hiện nhiều chương trình, dự án lồng ghép khác, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp Giang Thành tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, cho thu nhập cao

Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, cho thu nhập cao

Vào những ngày đầu năm 2019 về Giang Thành, thấy cảnh đông vui gặt hái ngoài đồng ruộng, cùng những chiếc xe tải chở đầy thóc lúa trên đường làng, ai cũng cảm nhận được một không khí mùa xuân mới thanh bình, no ấm ở một vùng đất vốn ngày nào hoang vắng, dân cư thưa thớt, đồng bào dân tộc Khmer nghèo chiếm tỷ lệ cao, lại còn bị tàn phá, mất mát tài sản, tính mạng con người do bọn Khmer đỏ gây ra trong cuộc chiến tranh biên giới…

Vậy mà từ các chính sách, hỗ trợ, các nguồn lực đầu tư và các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp huyện Giang Thành khởi sắc, chỉ trong một thời gian ngắn đã mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, góp thêm vào quỹ đất sản xuất của tỉnh hơn 10 nghìn héc - ta. Hầu hết hộ dân Khmer nghèo được vay vốn ưu đãi thuận lợi, được hướng dẫn ứng dụng KHKT vào cải tạo đồng ruộng, đắp bờ bao ngăn lũ, đầu tư giống mới, phân bón chọn lọc để mỗi năm làm ra 2 vụ lúa với năng suất bình quân 5 - 6 tấn/ha, thay đổi hẳn tập quán canh tác trước đây gieo sạ 1 vụ lúa phụ thuộc vào thiên nhiên. Cùng với đó, người dân Giang Thành còn biết cách sử dụng đồng vốn ưu đãi hợp lý làm thêm 1 vụ màu, hoặc đầu tư phát triển nghề thủ công, xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 39% cuối năm 2011, đến xuân Kỷ Hợi 2019 còn 19,8%. Số hộ thoát nghèo và làm giàu nhiều nhất tập trung ở xã Vĩnh Điều, Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ. Điển hình tại xã Phú Mỹ trong những năm qua, hầu hết các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc Khmer đã được tiếp cận đầy đủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, bình quân 38 triệu đồng/hộ, đầu tư khai phá vùng kinh tế mới, phát triển đất sản xuất nông nghiệp từ 1.400ha lên hơn 4.000ha. Hầu hết diện tích đất trồng lúa 1 vụ trước đây đã chuyển sang làm 2 vụ, năng suất từ 6 đến 6,5 tấn 1 ha/vụ, tăng hơn so với 5 năm trước gần 2 tấn/ha/vụ. Ngoài trồng lúa, người dân nơi đây còn sử dụng vốn ưu đãi thâm canh 160 ha rau màu, chăn nuôi hơn 3 nghìn gia súc và nuôi tôm, cá nước ngọt, thu nhập đầu người tăng từ 9 triệu lên 24 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm bốn lần, hiện còn có 7%; trong đó số hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS giảm 3 lần.

Còn ở Vĩnh Điều, xã giáp đường biên Campuchia, cách đây không lâu thuộc vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất huyện Giang Thành. Khi ấy, cả xã chưa có điện đóm, hàng năm mùa gió chướng bị nước lũ cuốn trắng đồng… Nhưng hiện tại Vĩnh Điều là xã có số tiền vay của NHCSXH cao (27,5 tỷ đồng) và đạt tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thuộc vùng biên giới Tây Nam.

Đơn cử về gia đình anh Danh Đê, dân tộc Khmer, 10 năm trước còn nằm trong danh sách những hộ nghèo “đầu bảng” ở ấp Mẹt Long xã Vĩnh Điều. Thế nhưng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư mua 1 con bò làm sức kéo, số tiền còn lại mua giống làm vụ lúa xuân.

Nhờ chịu thương, chịu khó, chăm chút cho “con trâu quý” và 5 công đất được thau chua rửa, sạ lúa nước 2 vụ/năm, để năm nào ruộng của anh Danh Đê cũng trúng mùa, kinh tế dư giả, đến xuân này gia đình cơ bản thoát nghèo bền vững.

Cũng thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi ở Vĩnh Điều, còn có anh Huỳnh Văn Thuận, ấp Nha Sáp. Những năm trước, cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều túng thiếu, khó khăn. Đang loay hoay tìm “đường đi, lối lại” để thoát cảnh nghèo, thông qua Hội cựu Chiến binh xã, gia đình được vay 50 triệu đồng theo chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo. Từ những đồng vốn vay, phát huy thế mạnh chăn nuôi ở vùng biên, gia đình anh đã đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng dưa hấu, bí rợ. Sau nhiều nỗ lực đến nay, gia đình đã gây dựng được đàn bò 7 con cùng 6 công đất rau màu xanh tốt, ước tính đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng

Ông Trần Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều cho biết, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nên nguồn vốn ưu đãi rất có ý nghĩa, giúp người dân cải thiện cuộc sống. Do vậy, xã thường xuyên vận động, tuyên truyền các đối tượng chính sách sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, tập trung phát triển sản xuất lương thực, chăn nuôi và tăng cường kiểm tra xem hộ nghèo vay vốn có bị “chặn đầu, chặn đuôi” không, đồng thời đảm bảo vốn vay được công bằng, dân chủ và chuyển đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.

Với phương châm tất cả vì người nghèo, những cán bộ, nhân viên NHCSXH vùng biên giới Giang Thành đã, đang và sẽ luôn cố gắng bám sát cơ sở, để những đồng vốn ưu đãi ngày ngày đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần giúp đỡ họ bớt cảnh nhọc nhằn, khó khăn, vui đón mùa xuân tươi vui, no ấm.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác