Đẩy nhịp phát triển kinh tế Văn Chấn

23/02/2019
(VBSP News) Xuôi theo Quốc lộ 32, chúng tôi về thung lũng Mường Lò. Con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một nét lụa mềm uốn lượn giữa mênh mông sóng lúa. 10 xã của huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm trong khu vực này cũng có nghĩa bà con bây giờ lúa gạo không thiếu, nhưng thoát nghèo phát triển bền vững với người dân 10 xã này cũng như nhìn rộng ra toàn huyện Văn Chấn không phải là câu chuyện một sớm một chiều... Điều này có thể thực chứng qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH huyện Văn Chấn 16 năm qua.
Đồng bào DTTS ở Văn Chấn sử dụng vốn vay uuw đãi phát triển chăn nuôi gia súc

Đồng bào DTTS ở Văn Chấn sử dụng vốn vay uuw đãi phát triển chăn nuôi gia súc

“Nếu nói về nghèo, thì chẳng ai trong thôn Tuần Vực 1, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn này có thể nghèo như gia đình ông Hà Quang Diện - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Triệu Quý Cương kể - Không tấc đất cắm dùi, gia đình ông Diện chuyển hết nơi này lại đến nơi khác trong vùng đất Văn Chấn này để tìm chỗ trồng ngô, trồng lúa, làm thuê mưu sinh. Song cuộc sống gia đình ông Diện vẫn bộn bề khó khăn thiếu thốn. Miếng ăn hai bữa ngày còn chưa đủ nên 2 đứa con của ông cũng không có điều kiện ăn học. Cuộc đời ông, chỉ mở sang trang mới khi ông quyết về thôn Tuần Lộc định cư. Cần mẫn khai hoang trồng rừng, nhưng để có nguồn thu ngay không dễ, đi làm thuê bữa được bữa không, cuộc sống bấp bênh hai bữa cháo cơm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông, tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH tạo điều kiện cho vay 8 triệu đồng chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS theo Quyết định 32 để nuôi bò sinh sản.

Ông Diện kể, tài sản gia đình lớn nhất ngày ấy là con bò, nên ông lên hết làng trên xóm dưới học kinh nghiệm rồi được xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, ngay năm đầu tiên, bò đã sinh sản. Ba năm sau, ông có thêm 3 con bê. Bán đi 2 con bê trả nợ ngân hàng năm 2011, phần còn lại ông tiếp tục chăm bẵm nhân đàn. Hai năm sau, ông đã chính thức bước ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cảm nhận được sự đổi đời trông thấy nhờ vốn vay NHCSXH, năm 2014, ông tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để nhân rộng đàn bò sinh sản. Năm 2016 khi đàn bò của ông lên đến 20 con, phần để giúp con cái ăn học, phần để mở xưởng bóc gỗ, ông bán bớt một nửa đàn.

Hiện, cơ ngơi của gia đình ông Diện có một xưởng gỗ bóc, 13 con bò, 5ha rừng cùng một cửa hàng tạp hóa mang lại thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Không chỉ từ nghèo nhất thôn trở thành một hộ khá giả, nhà cửa khang trang mà các con của ông, một đã là giáo viên, người còn lại đã đi xuất khẩu lao động. Xưởng gỗ và 5ha rừng của ông cũng đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương với 18 - 20 lao động thường xuyên bóc gỗ đến phơi ván với mức công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.

Nguồn vốn của NHCSXH, không chỉ trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình, giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống sinh hoạt, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Như ở Cát Thịnh này, hơn 10 năm trước, giá trị thu nhập từ vườn tạp và ao cá khá thấp, nên việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi trở thành vấn đề bức thiết. Dòng vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận được định hướng chuyển đổi kinh tế của địa phương, từ đó nắn dòng vốn tín dụng không chỉ đúng các đối tượng chính sách mà còn cùng các tổ chức hội, đoàn thể vận động hộ vay chuyển đổi vật nuôi có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa Cát Thịnh trở thành một vùng nuôi ba ba nổi tiếng ở Văn Chấn.

Ví như gia đình ông  Hoàng Văn Cửu, người dân tộc Tày ở thôn Khe Ba Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Từ nguồn vốn vay theo Quyết định 32 là 5 triệu đồng, ông chuyển đổi ao cá nuôi thả ba ba  quy mô nhỏ. Thấy nuôi ba ba có hiệu quả, năm 2009,  khi được vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, ông mở rộng thêm diện tích nuôi, và nuôi thêm ba ba giống. Thu nhập từ nuôi ba ba đã giúp ông thoát khỏi hộ nghèo năm 2013. Tiếp thêm nguồn lực cho ông thòa nghèo bền vững, năm 2013, ông được vay 30 triệu đồng từ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó mở rộng diện tích nuối ba ba lên 500 mét vuông với số lượng 400 - 500 con ba ba thịt, 100 con ba ba đẻ để cung ứng giống ba ba. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, nguồn lãi từ ao nuôi ba ba nhà ông Cửu đạt hơn 100 triệu đồng. Nguồn tích lũy có được từ nuôi ba ba, ông Cửu mua 2 ôtô chở vật liệu xây dựng cũng là tạo sinh kế cho hai con trai đã đi học nghề song nhưng chưa tìn được việc làm…

Những lực đẩy này giúp con đường giảm nghèo của Cát Thịnh  thêm ngắn lại. Đến nay chỉ còn 38% hộ nghèo vào 4% cận nghèo. Từ những chương trình tín dụng đặc thù riêng cho đồng bào vào vùng đặc biệt khó khăn cho đến các chương trình tín dụng chung tiếp nối, và quay vòng nhiều lần của NHCSXH đã giúp bà con có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí sản xuất từ đó mạnh dạnh hơn trong việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi từng bước thoát nghèo. Câu chuyện ấy có thể tìm thấy không chỉ Cát Thịnh mà ở cả 27 xã vùng cao huyện Văn Chấn này.

Dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng qua từng năm, từ 38 tỷ đồng khi mới thành lập với chỉ 03 chương trình tín dụng chính sách, đến tháng 1/2019 tổng dư nợ đạt hơn 520 tỷ đồng. Phòng giao dịch đã bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, mục tiêu giảm nghèo, chính sách phát triển vùng miền, chính sách cho hộ dân tộc thiểu số để tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện phân bổ nguồn vốn với cơ cấu hợp lý, đến nay, dư nợ cho vay tại vùng khó khăn chiếm 91% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS chiếm 78,8%.

Tín dụng chính sách  thêm phát huy hiệu quả, khi Phòng giao dịch tham mưu cho Ban đại diện chỉ đạo các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Ban ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn chuyển giao KHKT đến nhân dân; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; bám sát vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới như mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xóa nhà tạm, mục tiêu về môi trường… để tham mưu cho Chủ tịch UBND xã phân bổ cơ cấu nguồn vốn hợp lý… Việc đầu tư vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả rõ nét, phục vụ tốt nhất các nhiệm vụ tại địa phương.

Thông qua thực hiện chương trình tín dụng chính sách đã động viên sự tham gia của toàn xã hội hướng tới và giúp đỡ người nghèo như là trách nhiệm và quyền lợi của mình từ đó hoạt động của NHCSXH đã thực sự xã hội hoá, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và khẳng định vai trò vị thế của NHCSXH tham gia vào giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tuy nhiên, con đường giảm nghèo của Văn Chấn còn không ít gian nan khi toàn huyện có 31 xã thị trấn, thì có tới 27 xã thuộc vùng khó khăn. Tính theo cấp địa chính là thôn thì có 215 thôn bản/ 380 thôn thuộc vùng khó khăn. Diện tích đất tự nhiên rộng với 120.758ha trải dài trên 120km theo Quốc lộ 32 cùng hệ thống giao thông, thuỷ lợi chưa phát triển. Dân số 38.563 hộ phân bố không đều, với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 62,6%. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo đến cuối năm 2016 theo chuẩn nghèo mới quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 là 17.062 hộ, chiếm tỷ lệ 44,24%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách tại Văn Chấn dù đã được bơm với “tốc lực lớn hơn bình quân chung của tình cũng như của cả nước, song đó mới chỉ là một trong các yếu tố cấu thành trong chuỗi các biện pháp giảm nghèo. Không chỉ việc thay đổi tập quán tư duy nhận thức của bà con từ kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa, câu chuyện tạo sinh kế cho người dân phát triển bền vững với việc trồng cây gì nuôi con gì vẫn còn là bài toán lớn. Người nông dân dù chăm chỉ cần mẫn song luôn phải đối đầu với bài toán được mùa mất giá.

Một nút thắt lớn hơn cả đó chính là cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Như ở xã Cát Thịnh, dù giao thông đã thuận lợi, song không phủ đều cho tất cả địa bàn. Như Thôn Đằng Lao, ngay trước từ trung tâm xã về tới thôn mất 2 ngày, nay cũng phải đi mất cả ngày vì chỉ có một nửa đường đi được xe máy, một nửa chỉ có thể đi bộ. Chính sự khó khăn về giao thông này đã cản bước người dân tiếp cận dòng vốn tín dụng vì có nuôi trồng được, để mang đi tiêu thụ không dễ dàng. Cả thôn có 73 hộ người dân tộc Mông, nguồn vốn tín dụng muốn chảy cũng chỉ được 690 triệu đồng vì người dân chủ yếu trồng lúa nước. “Trên đó thu nhập không được 10 triệu đồng/năm/người kể cả cộng tiền thu nhập dịch vụ rừng”, Phó Chủ tịch Lê Thanh Tôn cho biết.

Đây cũng là những bài toán đặt ra cần được xử lý đồng bộ để dòng vốn tín dụng chính sách có thể chay nhanh và mạnh hơn nữa đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của Văn Chấn.

Bài và ảnh Minh Nguyễn

Các tin bài khác