Xuân về với người nghèo ở An Giang

18/02/2019
(VBSP News) Một mùa xuân nữa lại về trên khắp các phố phường, làng quê. Tết đến xuân về, ai cũng mong được về bên mái ấm gia đình để toàn tụ, sum họp cùng nhau đón chào năm mới đầm ấm, hạnh phúc. Những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới đang đến gần trong niềm hân hoan hạnh phúc tràn đầy niềm hy vọng của mọi người, mọi nhà, hòa trong niềm vui chung đó có đóng góp không nhỏ của tín dụng chính sách xã hội ở An Giang.
Nhiều hộ nghèo tại tỉnh An Giang vay vốn ưu đãi đầu từ chăn nuôi bò Ảnh: Trần Việt

Nhiều hộ nghèo tại tỉnh An Giang vay vốn ưu đãi đầu từ chăn nuôi bò
                                                                                                  Ảnh: Trần Việt

Hơn 16 năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách tại tỉnh An Giang đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. NHCSXH tỉnh đã triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, với tổng số tiền cho vay đạt 5.859 tỷ đồng và 527.018 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu hồi nợ đạt 2.799 tỷ đồng.

Qua đó góp phần giúp cho gần 147.571 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giải quyết việc làm cho trên 180 nghìn lao động, giúp hơn 70 nghìn HSSV được vay vốn học tập hơn 142.777 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh và hơn 9.752 căn nhà cho hộ nghèo…

Ông Chau Ra ở ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên là một trong những hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Năm 2016, ông vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tịnh Biên để mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó chăn nuôi, chăm sóc, đàn bò của ông phát triển tốt, cùng với việc đầu tư chăn nuôi ông Chau Ra còn làm thêm nghề leo thốt nốt thuê, vợ ông làm thêm nghề bán trái thốt nốt cũng có đồng ra đồng vào, khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Năm 2018 gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, ông lại tiếp tục vay 40 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH, đầu tư mua 3 con bò con, cùng với sự chăm chỉ của người nông dân và áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi nên đàn bò của gia đình ông phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Ông Chau Ra chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi đã “tiếp sức” cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, có vốn đầu tư vào chăn nuôi, từ nay tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gia súc để sớm thu hồi vốn và có tiền trả nợ ngân hàng”.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hùm ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, năm 2018 được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn trái phục vụ du lịch, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại gia đình ông cho thu nhập cao, giúp gia đình ông vượt qua khó khăn và luôn trả lãi, trả nợ đúng thời hạn. Cùng với nguồn vốn tự có của gia đình và sự chăm chỉ, chịu khó, đến nay 8.000 mét vuông vườn cây ăn trái của ông có 700 gốc xoài, 230 gốc dừa xiêm, ngoài ra, giữa các vườn trái cây, ông còn đào ao nuôi cá để phục vụ thêm các nhu cầu giải trí cho khách tham quan. Khu vườn của ông không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 lao động nông nhàn tại địa phương, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Châu Thành, chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Xiên ở ấp Vĩnh Hòa B, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, bà Xiên vẫn không thể quên được thời gian đầy khó khăn và vất vả mà gia đình đã trải qua. Bà cho biết: “Gia đình tôi trước kia thuộc diện hộ nghèo. Khi con tôi đỗ đại học, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì con có cơ hội được học nâng cao, lo vì không có tiền chu cấp cho con theo học. Thật may, được sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng HSSV số tiền trên 24 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con Lê Thị Ngọc Thúy theo học đại học. Hiện nay, cháu Thúy đã ra trường và làm việc tại TP Cần Thơ, còn cháu thứ hai là Lê Văn Sở, cháu thứ ba là Lê Duy Hậu cũng đậu đại học đã vay thêm số tiền 76 triệu đồng nhờ thành tích học tập tốt các cháu ra trường tìm được việc làm ổn định, đời sống của gia đình dần khấm khá lên. Mỗi tháng các cháu đều dành dụm gửi tiền về và cùng với gia đình trả nợ, trả lãi cho ngân hàng, hiện tại tôi đã trả được 56 triệu đồng tiền gốc và lãi cho ngân hàng, dự kiến khoảng 2 - 3 năm nữa gia đình tôi sẽ trả hết số nợ còn lại cho NHCSXH”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang, Nguyễn Minh Hưng thông tin, đơn vị đang cho vay 16 chương trình tín dụng có tổng dư nợ hơn 2.911 tỷ đồng với 164.850 hộ vay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chi nhánh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương để đưa nguồn vốn chính sách về với người dân. Thông qua hoạt động cho vay, NHCSXH thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Năm 2019, lãnh, đơn vị tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc công tác bình xét và vay vốn theo quy định, giải ngân vốn kịp thời cho bà con và tăng cường công tác quản lý, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Bài Thanh Trúc

Các tin bài khác