Tiết kiệm để mùa xuân thêm tươi
Chỉ với 10.000 đồng, người nghèo cũng có thể tham gia gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc người nghèo tại tỉnh Long An gửi tiền tiết kiệm với những khoản nhỏ, bước đầu đã tạo cho họ có ý thức dành dụm tiền để tạo lập vốn tự có và quen dần với hoạt động tài chính; đồng thời giúp người nghèo có cơ hội gửi tiền ngay tại nơi cư trú để tích lũy, bảo đảm an toàn và để dành khi cần thiết.
Tại tỉnh Long An, hiện nay có 2.812/2.812 (100%) Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của tổ viên với tổng số tiền trên 190 tỷ đồng. Kết quả này chưa phải là lớn nhưng khẳng định chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác vì sự phát triển của chính mình và cộng đồng.
Huyện Bến Lức là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình nhận tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm tạo cho người nghèo ý thức tiết kiệm, đồng thời có thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn. Đến nay, việc gửi tiền tiết kiệm hằng tháng của người nghèo đã trở thành nếp, số dư không ngừng tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức cho biết: “Khi có chủ trương nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm. Đến nay, các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã thực hiện gửi tiền tiết kiệm. Hằng tháng, những hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm định kỳ 10.000 - 20.000 đồng/hộ, các hộ khá hơn gửi 50.000 - 100.000 đồng. Việc huy động tiền gửi tại tổ giúp cho các tổ viên rút ngắn được thời gian giao dịch. Khi gửi, các tổ viên có thể tranh thủ gửi vào buổi tối hoặc trong giờ nghỉ trưa, số tiền gửi ít nên ngay cả những người nghèo cũng có thể tham gia tiết kiệm tại NHCSXH. Vì vậy, đến nay, các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã đều có một khoản tích lũy tương đối để dành khi gia đình có việc cần”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức cho biết khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý tổ đã họp bàn và phổ biến tới các tổ viên để triển khai. Ngay từ đầu đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tổ viên. Số tiền tiết kiệm tùy thuộc vào điều kiện từng người, từ 50.000 - 100.000 đồng. Bên cạnh đó, Ban quản lý tổ còn đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ viên phát triển SXKD một cách phù hợp để phát huy hiệu quả đồng vốn vay.
Hằng tháng, Ban quản lý tổ nhận xét, đánh giá, phân loại các tổ viên theo thứ tự để làm cơ sở bình xét cho vay thêm vốn đối với các hộ SXKD đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn cho NHCSXH. Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 3, xã Mỹ Yên hiện có dư nợ trên 1 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt gần 124 triệu đồng.
Cũng là huy động tiền gửi tiết kiệm theo hình thức tự nguyện qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, song Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Nguyễn Thị Thu Loan ở ấp 7A, xã Mỹ Yên quản lý lại cùng thống nhất một mức tiền gửi tiết kiệm. Mỗi người một hoàn cảnh, cuộc sống không phải dư dả nhưng hằng tháng đều trích ra 50.000 đồng/tổ viên để tiết kiệm. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tín dụng về cách thức gửi tiền tiết kiệm, mỗi tổ viên góp vốn đều có biên lai và nhập vào sổ tín dụng tiết kiệm để quản lý. Số tiền tiết kiệm tuy nhỏ nhưng đến lúc cần trả gốc, trả lãi cũng có số vốn kha khá. Với sự hưởng ứng tích cực của tổ viên, đến nay, tổ có dư nợ hơn 500 triệu đồng và huy động được gần 76 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm, giúp các hộ vay giảm nhẹ gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi.
Bến Lức là địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ ở mức 0,1%/tổng dư nợ. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 203 tỷ đồng, tổng tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn gần 20 tỷ đồng. Nguồn tiền tiết kiệm của người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần nâng mức cho vay, giúp người vay chủ động hơn trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế một phần rủi ro tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc NHCSXH huyện Bến Lức cho biết, thời gian đầu triển khai thực hiện chương trình, các đơn vị cũng gặp khá nhiều khó khăn do nhận thức, thói quen của hộ nghèo về tiết kiệm còn hạn chế nên không mặn mà tham gia. Bởi vậy, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể được ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người vay bằng nhiều hình thức như tiếp cận trực tiếp người vay; gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ, phổ biến các chính sách mới đến các Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn ngay tại các buổi trực giao dịch tại xã.
Bên cạnh đó, cử cán bộ phụ trách xã về dự các buổi họp thôn ấp, họp tổ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ Bí thư, xóm trưởng; giải đáp kịp thời các thắc mắc của người dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách. Tuyên truyền, vận động để mỗi người vay hiểu rõ về việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và công khai. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ với nhau và căn cứ vào tình hình thu nhập của các hộ. Việc thu tiền tiết kiệm được thực hiện trong các kỳ sinh hoạt tổ hoặc kết hợp với thu tiền lãi.
Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH huyện tiến hành song song với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sự phối hợp hiệu quả giữa NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm. Thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm, nhất là huy động tiền gửi tiết kiệm của cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động tín dụng chính sách.
Để triển khai có hiệu quả việc huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong thời gian tới các đơn vị nhận ủy thác cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đến người nghèo và các đối tượng chính sách về chủ trương huy động tiết kiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn cần hướng dẫn cụ thể, để tổ viên tự bàn bạc, thống nhất mức tiền gửi tiết kiệm hàng tháng. Các cấp hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của tổ nói chung và trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm nói riêng để chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo được thực hiện sâu rộng và ngày càng hiệu quả.
Bài và ảnh Minh Châu
Các tin bài khác
- » Nhà nông được tiếp vốn thả cá, nuôi vịt trời
- » Mùa xuân về thăm Điểm giao dịch xã ở Vĩnh Long
- » "Áo hồng cánh sen” đem niềm vui về xã
- » Xuân tươi vui khắp miền quê Hưng Yên trù phú
- » Anh là cầu nối
- » Mùa xuân hy vọng ở xứ Thanh
- » Đón xuân bên những câu chuyện thoát nghèo
- » Mang Tết đến sớm với đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang
- » Khi chính sách đi vào cuộc sống ở quê hương Đồng Tháp Mười
- » Như “Cánh én” dệt mùa xuân tươi vui