Nhân đôi mức vốn vay cho người nghèo
Đáp ứng yêu cầu cuộc sống
Gia đình ông Giàng Kẻ Phừ (dân tộc Mông), hộ nghèo của xã Sùng Phài, huyện Tam Đường (Lai Châu), do thiếu đất sản xuất nên gặp khó khăn trong đời sống kinh tế. Tháng 5/2018, ông được vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Tam Đường để mua trâu sinh sản, sửa sang ao nuôi cá, mua máy cày bừa. Nhờ nguồn vốn này, đến nay gia đình ông đã giảm được chi phí đầu tư trong trồng lúa, đồng thời có 1 con trâu chuẩn bị đẻ lứa đầu tiên cùng hàng nghìn con cá trắm, chép đang sinh trưởng tốt. Ông Giàng Kẻ Phừ chia sẻ, NHCSXH không chỉ cho vay vốn mà còn cử cán bộ thường xuyên hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Trước thông tin hộ gia đình như ông có thể được nâng mức vay lên 100 triệu đồng, ông Phừ hết sức vui mừng, bởi có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất với mục tiêu không chỉ thoát nghèo mà phải vươn lên làm giàu.
Ngay sau khi Chủ tịch HĐQT NHCSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, các chương trình tín dụng tại NHCSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, vay không phải bảo đảm tiền vay. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.
Mở ra những hướng đi mới
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Khu du lịch Pù Luông ở xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều hộ dân nơi đây đã “tranh thủ” nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH để chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, kết hợp làm nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng tại nhà (homestay).
Ông Hà Huy Giáp - Phó chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết: “Cả xã có hơn 3.300 khẩu, 100% là đồng bào Thái với 7 thôn bản đều tham gia làm du lịch tại nhà. Trong đó, bản Đôn là điểm phát triển mạnh nhất về hình thức du lịch “homestay” với 23 hộ có đủ điều kiện đón khách. Mỗi gia đình tùy theo quy mô nhà cửa, có thể đón từ 15 đến 60 khách ở cùng lúc, thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh làm du lịch, các gia đình vẫn sản xuất nông nghiệp để duy trì nguồn thu, đồng thời giữ gìn cảnh quan, môi trường tự nhiên nhằm thu hút khách. Để tham gia làm du lịch tại địa phương, các gia đình đều vay vốn tại NHCSXH. Anh Hà Huy Thục, một người dân trong xã cũng vừa vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để tu sửa thêm nhà sàn nhằm phục vụ khách du lịch.
Đến nay, NHCSXH nâng mức cho vay gấp đôi cũng là cơ hội để nhiều hộ dân trong xã mở rộng cơ sở du lịch tại nhà, cải tạo diện mạo cảnh quan môi trường xung quanh. Đặc biệt, việc nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng (10 năm) là rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
Đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt hơn 187.000 tỷ đồng; trong đó dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo 38.000 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng dư nợ) với 1,28 triệu hộ nghèo đang còn dư nợ. Đầu năm 2019, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý ngành Ngân hàng là hiện tượng cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói. Chính vì vậy có thể khẳng định, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.
Bài và ảnh Hoàng Giang
Các tin bài khác
- » Nâng hạn mức vốn vay chính sách
- » “Bí quyết” để hộ nghèo khó có đàn bò khỏe đẹp
- » Chuyện xóa nghèo ở miền biên viễn Giang Thành
- » Nông dân Trạm Tấu thoát nghèo nhờ vốn vay
- » Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai làm việc với NHCSXH
- » Vốn chính sách tiếp sức cho vùng “đất học” xứ Nghệ
- » Hộ nghèo được vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập
- » Đẩy nhịp phát triển kinh tế Văn Chấn
- » Kon Tum tăng cường tín dụng chính sách
- » Xuân ấm vùng cao