Đồng hành sáng tạo, khởi nghiệp cùng thanh niên

24/03/2019
(VBSP News) Cùng với sự phát triển của đất nước, tuổi trẻ đất Tổ ngày càng được nâng cao tri thức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng thế hệ thanh niên phát huy sáng tạo, tiềm năng, cống hiến sức trẻ trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Nhờ được vay vốn ưu đãi thông qua tổ chức đoàn, anh Bùi Duy Hưng, khu Đồng Đằm, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp

Nhờ được vay vốn ưu đãi thông qua tổ chức đoàn, anh Bùi Duy Hưng, khu Đồng Đằm, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp

Thúc đẩy phong trào “sáng tạo trẻ”

Học xong Đại học quốc gia Hà Nội, chàng trai sinh năm 1987 Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao bước vào khởi nghiệp bằng sự khác biệt và táo bạo. Ngay từ những ngày học ở giảng đường đại học, Nghĩa đã hình thành những suy nghĩ về phát triển nghề trồng rau sạch theo hướng thoát ly lối canh tác truyền thống.

Sau khi ra trường, năm 2015, nhận thấy nhu cầu rau an toàn trên thị trường rất lớn, Nghĩa vận động bà con mạnh dạn đầu tư vào sản xuất rau an toàn, đồng thời manh nha ý tưởng thành lập hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tứ Xã và mơ ước trở thành giám đốc. Khắc phục khó khăn về vốn, mặt bằng để phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo ra khối lượng hàng hóa ổn định, đến nay, sản phẩm rau an toàn của HTX đã được chọn cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart thuộc Công ty VinEco với sản lượng 800kg-1,2 tấn/ngày, hệ thống siêu thị Bigc, Co.opmart, 12 trường học mầm non và THCS trong toàn tỉnh.

Hiện tại, đã có 70 hộ tham gia với diện tích canh tác 10ha, dự kiến đến năm 2020, HTX sẽ mở rộng quy mô lên 20ha, kết nối thêm với các thị trường khác để sản phẩm có đầu ra bền vững, đảm bảo đời sống, thu nhập cho các hộ tham gia. Mô hình ý tưởng khởi nghiệp của Nguyễn Văn Nghĩa đã được lọt vào vòng 2 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ I” do Trung ương Đoàn tổ chức.

Cùng với Nghĩa, phong trào sáng tạo trẻ còn có các mô hình của nhóm nghiên cứu Trường THCS Hùng Lô - thành phố Việt Trì với quy trình chiết xuất Chlorophyll (chất diệp lục) từ lá tre làm phẩm màu an toàn cho thực phẩm. Đây là sản phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường có thể được ứng dụng rộng rãi và đưa vào sản xuất trên diện rộng, tạo ra nguồn phẩm màu hoàn toàn tự nhiên, để tạo màu xanh cho một số thực phẩm như: Kẹo cốm, mứt, xôi, thạch, bánh trứng, bánh trôi… Mô hình sản phẩm “Bộ phao cứu sinh thông minh” do nhóm học sinh Trường tiểu học Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn dễ dàng điều khiển ở phạm vi 150m, cùng lúc có thể cứu 3 người và giúp người bị nạn có thêm sự lựa chọn để tự cứu mình bằng phao nổi, dầm vịt, từ đó giảm số người tử vong do đuối nước… Ý tưởng sáng tạo của nhóm học sinh đã được vinh danh, khen thưởng tại Lễ trao giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2018.

Để thực hiện phong trào “Sáng tạo trẻ”, Tỉnh đoàn đã xây dựng các nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp từng đối tượng. Thanh niên phát huy tinh thần lao động sáng tạo thông qua “Hộp thư sáng kiến”; đề xuất các ý tưởng, sáng kiến trong tổ chức, quản lý và xây dựng đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; bảo quản, sử dụng, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang thiết bị phục vụ chiến đấu và sẵn sáng chiến đấu… Thông qua “ngân hàng ý tưởng sáng tạo”, ĐVTN đã tham gia 14.000 ý tưởng, dự án sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nông nghiệp, chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ, văn hóa, du lịch, cơ khí… Nhiều dự án, ý tưởng có tính khả thi cao có thể áp dụng vào cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thắp lửa khởi nghiệp

Năm 2012, Bùi Duy Hưng, Bí thư chi đoàn khu Đồng Đằm, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn cùng với gia đình chuyển lên khu tái định cư ở khu Đồng Đằm, nhường đất cho công trường dự án thủy lợi hồ Phượng Mao 2. Thời kỳ đầu “an cư lạc nghiệp” nơi vùng đất mới, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, anh được NHCSXH huyện tạo điều kiện giải ngân cho vay 30 triệu đồng qua tổ chức đoàn để đầu tư trồng 1ha chè, trồng xen cây bưởi Diễn, da xanh, mít, kết hợp với chăn nuôi gà, lợn. Sau nhiều năm gây dựng, anh có vốn mở rộng thêm diện tích đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tận dụng thức ăn từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp và giảm chi phí đầu tư…

Hiện nay, anh đã có trang trại kinh tế tổng hợp trên diện tích hơn 2ha, mỗi năm cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Không chỉ linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trong làm kinh tế, Bùi Duy Hưng còn được biết đến trong vai trò là một Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt huyết với công tác đoàn. Anh chia sẻ: “Để có được thành công như ngày hôm nay là nhờ tôi có cơ hội được tham gia các hoạt động đoàn, tiếp cận thông tin tuyên truyền, nhất là sự hỗ trợ vốn, tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, giúp mô hình phát triển kinh tế của gia đình đạt hiệu quả cao”.

Thanh Sơn là một trong 4 đơn vị đoàn nguồn có vốn vay ủy thác của NHCSXH cao, dư nợ trên 77 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho ĐVTN mạnh dạn đầu tư có trọng tâm, đạt hiệu quả. Đặc biệt, mục đích sử dụng nguồn vốn đã được mở rộng và đa dạng hơn như: Đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống…

Chị Nguyễn Thị Thúy Vân - Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Huyện đoàn thường xuyên khảo sát, tìm hiểu những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp khả thi trong thanh niên. Chúng tôi xác định sẽ không chạy theo số lượng mô hình mà tập trung vào chất lượng, tính khả thi, tâm huyết của từng mô hình cụ thể để hỗ trợ vốn, đồng thời tổ chức cho các thanh niên đang có ý tưởng khởi nghiệp đi tham quan, học tập mô hình kinh tế tiêu biểu để cán bộ, ĐVTN được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng các mô hình kinh tế, tạo công ăn việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng.

Không chỉ ở Thanh Sơn, đồng hành, hỗ trợ cùng ĐVTN khởi nghiệp, năm 2018, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ từ nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH trên 669 tỷ đồng cho 23.381 hộ vay, trong đó có trên 5.700 hộ là ĐVTN được vay vốn; nguồn vốn vay 120 kênh Trung ương Đoàn với 3,2 tỷ đồng đã hỗ trợ trên 80 dự án thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho trên 900 lao động trẻ ở nông thôn. Thông qua các nguồn vốn vay, đã có 280 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, CLB thanh niên phát triển kinh tế duy trì hoạt động; 320 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu hút trên 4.900 ĐVTN tham gia. Với việc thành lập và duy trì 765 tổ tiết kiệm và vay vốn do đoàn quản lý đã thể hiện rõ uy tín của tổ chức đoàn trong chung tay, góp sức, đưa phong trào “lập thân, lập nghiệp” của thanh niên ngày càng phát triển.

Đánh giá về tầm quan trọng của việc khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bùi Đức Giang khẳng định: Từ phong trào sáng tạo trẻ đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong lực lượng thanh niên, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Thắp lửa sáng tạo khởi nghiệp, tổ chức đoàn mong muốn tạo được không gian cho ĐVTN phát huy hết tiềm năng sáng tạo của mình. Tỉnh đoàn sẽ nỗ lực để trở thành cầu nối hữu hiệu, kết nối các giải pháp, ý tưởng của thanh niên với các cơ quan chức năng, huy động nguồn lực xã hội, giúp cho thanh niên hiện thực hóa các ý tưởng; tạo động lực thúc đẩy tinh thần sáng tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu của thanh niên và tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy trong quá trình khởi nghiệp của tuổi trẻ đất Tổ.

Bài và ảnh Thanh Nga

Các tin bài khác