Tín dụng ưu đãi đánh thức khát vọng khởi nghiệp của thanh niên
Đối với thanh niên nông thôn, nhất là những thanh niên nghèo việc tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp, hỗ trợ tạo dựng việc làm ổn định luôn được quan tâm và đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Vấn đề tạo việc làm cho thanh niên ở nông thôn bên cạnh việc liên quan đến đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động, kỹ năng nghề thì có được nguồn vốn là hết sức cần thiết. Đồng hành với thanh niên nghèo trên con đường lập thân, lập nghiệp, trong những năm qua, thông qua nguồn vốn thuộc Quỹ Quốc gia về việc làm Trung ương Đoàn và nhận ủy thác vay của NHCSXH Thanh Hóa đã giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm, đã có 50 dự án được vay vốn với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho 25.401 đoàn viên được vay vốn với tổng dư nợ hơn 860 tỷ đồng thông qua 701 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn được vay, nhiều đoàn viên, thanh niên đã xây dựng phát triển mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Hữu Quang, ở xã Yên Bái, huyện Yên Định, được biết: Ngày mới lập nghiệp, anh từng trăn trở với bao câu hỏi: Biết làm gì để thay đổi cuộc sống? Làm gì để thoát nghèo, làm giàu? Năm 2015, sau khi lăn lộn làm thuê ở khắp nơi, anh Quang quyết định về quê đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, anh phải đi vay ngoài để làm, nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, thông qua nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, anh Quang được vay 100 triệu đồng. Có vốn, anh có điều kiện đầu tư thêm trâu, bò sinh sản, mở rộng quy mô ao nuôi cá. Hiện nay, mô hình trang trại của gia đình anh Quang cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với chúng tôi anh Quang cho biết: “Khó khăn đầu tiên đối với thanh niên chúng tôi là nguồn vốn. Không ít bạn trẻ khi bắt tay vào phát triển kinh tế đều không có vốn nên rất dễ nản lòng và buông xuôi. Với tôi, nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho thanh niên đóng vai trò như lực đẩy để phát triển kinh tế”.
Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều dự án được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cũng đã phát huy hiệu quả kinh tế, như: Dự án chế biến các sản phẩm từ dứa, dưa bao tử của Công ty CP Chế biến nông sản xã Trung Thành (Nông Cống); mô hình nuôi lợn, cá, chế biến thực phẩm sạch của ông Nguyễn Hoài Châu (Hậu Lộc); mô hình chăn nuôi dê, bò của ông Phạm Văn Châu, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc)…
Có thể thấy, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ thiết thực cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại khu vực nông thôn. Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đoàn thanh niên nhận quản lý nguồn vốn vay không chỉ sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích mà còn làm rất tốt công tác thu nợ, thu lãi từ các đối tượng do thanh niên quản lý. Chính vì thế đã phát huy tốt nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo… NHCSXH tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện thuận lợi, dành nguồn vốn hợp lý cho đoàn thanh niên thực hiện các dự án, theo phương thức ủy thác cho vay.
Bài và ảnh Lương Khánh
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ thanh niên vùng cao khởi nghiệp, lập nghiệp
- » Tạo sinh kế bền vững cho thanh niên
- » Hành trình về nguồn tri ân của đoàn viên thanh niên NHCSXH TW
- » NHCSXH chúc mừng 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Hà Nam hướng tới kết quả bền vững cho các chương trình mục tiêu Quốc gia
- » Giám sát việc triển khai nguồn vốn địa phương cho vay ưu đãi
- » Nghị lực thoát nghèo của phụ nữ vùng DTTS
- » Đổi thay trên vùng chiến khu xưa
- » Ban Kinh tế Trung ương làm việc với NHCSXH
- » Mang yêu thương đến miền đất đỏ huyền thoại Tây Nguyên