Tín dụng chính sách ở Long An góp phần đẩy lùi “tín dụng phi chính thức”

31/03/2019
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH huyện Cần Đước (Long An) tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển SXKD, từ đó góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đẩy lùi “tín dụng phi chính thức”.
Nhờ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông Lưu Hoài Nhân một tiểu thương ở thị trấn Cần Đước tránh xa được “tín dụng phi chính thức”

Nhờ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông Lưu Hoài Nhân một tiểu thương ở thị trấn Cần Đước tránh xa được “tín dụng phi chính thức”

Trước đây, các tiểu thương ở chợ thị trấn Cần Đước, Long Hựu Tây,… thường vay nóng với lãi suất “cắt cổ” để nhập hàng về bán. Từ đó, nhiều người lâm vào cảnh khó khăn vì “lãi mẹ đẻ lãi con”. Có trường hợp vay với lãi suất 30%/tháng. Bà Đặng Thị Mỹ Hạnh - tiểu thương chợ Long Hựu Tây, cho biết: “Dịp lễ, tết, các tiểu thương có nhu cầu nhập thêm hàng để bán nhưng không có vốn, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng nên thường vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao. Có khi ế ẩm, lỗ vốn cộng thêm tiền lãi quá cao nên càng khó trả nợ. Có trường hợp vay “tín dụng phi chính thức”, không có tiền góp hàng tuần nên bị chủ nợ hăm dọa, phải bỏ xứ đi”.

Xác định được nhu cầu vay vốn của tiểu thương tại chợ Long Hựu Tây, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương vay vốn NHCSXH theo chương trình giải quyết việc làm, số tiền được vay từ 30 - 50 triệu đồng, thời gian hoàn trả tùy vào nhu cầu và phương án sử dụng vốn, với lãi suất 0,55%/tháng. Ông Lưu Hoài Nhân - tiểu thương chợ Long Hựu Tây, chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng. Mỗi tháng, tôi gửi tiết kiệm cho Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 500 nghìn đồng để dành trả nợ khi đến hạn phân kỳ. Nhờ vốn vay ưu đãi, thời hạn trả nợ phù hợp nên không chỉ tôi mà các tiểu thương khác không phải vay mượn bên ngoài”.

Còn gia đình anh Nguyễn Minh Thuấn, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Anh Thuấn tâm sự: “Tôi có 2.000m2 đất trồng rau nhưng chưa có vốn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động nên dự định vay nóng với lãi suất 10%/tháng. Biết được hoàn cảnh gia đình, UBND xã tạo điều kiện cho tôi vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Với số tiền đó, tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Đến nay, NHCSXH huyện Cần Đước có tổng dư nợ trên 228 tỷ đồng với 12.237 hộ vay còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và hoạt động “tín dụng phi chính thức” trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước, Nguyễn Việt Cường thông tin: “Tín dụng phi chính thức là vấn đề được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đặc biệt quan tâm, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, an ninh, trật tự của địa phương. Do đó, Huyện ủy chỉ đạo các cấp, các ngành ra quân tháo gỡ các bảng quảng cáo “cho vay không cần thế chấp”; ngành Công an kiểm tra đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các nhà trọ nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng cho vay nặng lãi;… Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn của NHCSXH, UBND huyện còn dành một phần ngân sách ủy thác sang NHCSXH để tạo điều kiện cho các đối tượng theo quy định kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi (năm 2018 chuyển 2 tỷ đồng, năm 2019 chuyển 3 tỷ đồng). Với những biện pháp đó, đến nay, tình trạng “tín dụng phi chính thức” trên địa bàn huyện giảm rất nhiều.

Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, qua đó bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh Lê Ngọc

Các tin bài khác