Lâm Đồng xây dựng Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn

03/04/2019
(VBSP News) UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra Quyết định ban hành Đề án “Thành lập Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 97.368 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển SXKD

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 97.368 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển SXKD

Triển khai đề án trên, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu xây dựng được một số mô hình Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn liên kết phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề truyền thống, nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Nội dung của đề án này cũng đã hướng dẫn chi tiết về triển khai xây dựng mô hình tổ chức của tổ như đối tượng, phạm vi hoạt động; nguyên tắc và phương thức hoạt động của tổ; phương án, trình tự thành lập tổ; quyền và nghĩa vụ của các tổ viên.

Tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra một số giải pháp để thực hiện thành công đề án này như: Tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức, mô hình thí điểm, trên cơ sở đó hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai nhân rộng; tạo điều kiện về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các mô hình hoạt động có hiệu quả để nhân rộng và phát triển.

Tỉnh huy động các nguồn lực thực hiện phát triển kinh tế hợp tác, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển hình thức tổ chức liên kết, hợp tác; tạo điều kiện để kinh tế hợp tác được tài trợ, hỗ trợ nguồn lực tài chính và vật chất của các dự án quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…

Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đặt ra lộ trình mỗi một hội, đoàn thể cấp huyện lựa chọn xây dựng từ 1 - 2 mô hình Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn. Từ năm 2020 trở đi, tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, triển khai nhân rộng mô hình tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể phối hợp với NHCSXH thành lập tại tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố. Đã có 97.368 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với tổng dư nợ trên 3.052 tỷ đồng. Tuy nhiên, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn là mô hình tổng hợp với nhiều mục đích vay khác nhau, do vậy việc vay vốn gắn với chuyển giao KHKT, đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Việc hợp tác sản xuất giữa các thành viên cùng ngành nghề chưa thực hiện được, do chưa có hợp đồng hợp tác giữa các thành viên giữa các tổ viên với nhau.

Trên thực tế tại Lâm Đồng có nhiều vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên việc liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín còn nhiều hạn chế, từ đó làm cho thu nhập của người nông dân còn thấp… đòi hỏi phải có 1 mô hình liên kết các hộ vay vốn có cùng mục đích SXKD, áp dụng KHKT để có sản lượng, sản phẩm lớn, tương đối đồng nhất về chủng loại góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo DTMN

Các tin bài khác