Giúp hộ nghèo gây dựng vườn cây, đàn vật nuôi

03/04/2019
(VBSP News) Trong những năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Nguồn vốn này đã giúp bà con đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình trang trại, không chỉ thoát nghèo, làm giàu cho chính mình, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và có thu nhập khấm khá

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và có thu nhập khấm khá

Thêm vốn, thêm thu nhập

Gia đình bà Nguyễn Thị Dục ở thôn Hà Trai, xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn nằm trong diện hộ nghèo của huyện nhiều năm. Nhưng từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, bà đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, lợn rừng, gà, trồng cây ăn quả như cam, canh, bưởi. Đàn bò từ chỗ chỉ vài con, nay tăng đã tăng lên 20 con.

Bà Dục đã bán bớt một phần đàn bò, vay thêm 50 triệụ đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH để lấy vốn đầu tư trồng cam trên diện tích trang trại rộng 7ha. Bà Dục ước tính, năm nay, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu và năm sau sẽ cho thu nhập tốt.

Một mô hình điểm nữa từ vốn vay NHCSXH mà chúng tôi có dịp đến thăm là trang trại của gia đình anh Hồ Tú Nam ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Anh Nam bộc bạch: “Vợ chồng tôi mới làm trang trại chưa lâu, nên rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất. May mắn, năm 2013 được vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi đầu tư đã mở rộng quy mô trồng rau sạch và chăn nuôi lợn, đà điểu. Nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại gia đình cho thu nhập cao. Tôi đã trả lãi, trả nợ đúng thời han cho NHCSXH”.

Theo anh Nam, năm 2016, gia đình anh tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi và đầu tư trồng rừng. Hiện trang trại của gia đình anh có 20 con bò, 10 con lợn và hơn 500 con gà. Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm 10ha rừng keo lá tràm. Trang trại của anh Nam không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Tập trung vốn cho các mô hình điểm

Hiện dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 4.363 tỷ đồng, trong đó nợ trung hạn đạt trên 4.018 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 92%. Theo rà soát, các chương trình tín dụng có dư nợ lớn như: Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 817,7 tỷ đồng, cho vay NS&VSMTNT trên 543,7 tỷ đồng, cho vay ưu đãi hộ nghèo 693 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 971,8 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo trên 802,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh còn chú trọng cho vay các chương trình chính sách gắn với an sinh xã hội như: Cho vay hộ nghèo về nhà ớ đạt 63,2 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội trên 53 tỷ đồng, cho vay HSSV trên 227,8 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm trên 106,5 tỷ đồng…

Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, Hoàng Bá Đồng nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng, thu hồi nợ, đến thời điểm này, đa phần khách hàng trả nợ đúng kỳ hạn, nợ quá hạnchiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Năm 2019, trên cơ sở phân bổ nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cũng tập trung ưu tiên vốn cho các xã xây dựng nông thốn mới, các mô hình, dự án trọng điếm làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn, các sự dụng vốn cho hộ vay.

“Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhân dân, thời gian qua, nguồn vốn do Trung ương cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh còn tích cực chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố và các hội, đoàn thể thu hồi vốn đã đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng”, Phó Giám đốc Hoàng Bá Đồng cho biết thêm.

Bài và ảnh Đức Thịnh

Các tin bài khác