Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trên miền rừng núi Ba Tơ

08/04/2019
(VBSP News) Ba Tơ là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường từ thời tiền khởi nghĩa 1945, những năm gần đây luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế văn hóa xã hội và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới so với 5 huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Ngãi. Thăm lại Ba Tơ trong những ngày tháng 4 này, chúng tôi ghi nhận sự đổi thay trên nhiều lĩnh vực, khắp làng quê, đồng ruộng, núi đồi, trong đó sự chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện của huyện về công tác tín dụng chính sách đã đạt được kết quả cao, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, thôn Suối Loa đã đầu tư mua bò sinh sản về nuôi

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, thôn Suối Loa đã đầu tư mua bò sinh sản về nuôi

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Tiết cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã tập trung huy động và triển khai hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, Ba Tơ đã lồng ghép với chương trình 30a, 135, các dự án phát triển lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới….đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh, hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung vốn ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để thâm canh đồng ruộng, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, tăng cường công tác khoanh nuôi, quản lý tốt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Trong những năm qua, nhờ NHCSXH huyện Ba Tơ phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, ban ngành địa phương làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và sử dụng hiệu quả vốn vay. Tính đến 31/3/2019 toàn địa bàn có hơn 8.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư, làm kinh tế với tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng từ 15 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo đạt trên 150 tỷ đồng, hộ cận nghèo và hộ gia đình SXKD vùng khó khăn cùng xấp xỉ 35 tỷ đồng. Nguồn vốn của NHCSXH luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh của người nghèo từ khu dân cư ven lộ đến các bản làng xa xôi hẻo lánh.

Thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, nên khi nghe Nhà nước có chủ trương cho vay vốn để chăn nuôi với lãi suất ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi. Ông Chín chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn này mà tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tôi tập trung chăm sóc 2 con bò giống sinh sản để có tiền trả nợ cho ngân hàng và vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình ông Phạm Văn Trung, dân tộc H’re ngụ thôn Làng Teng, xã Ba Thành trước đây thuộc diện hộ nghèo khổ, thiếu vốn sản xuất. Năm 2010, gia đình ông được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ nghèo để đầu tư chuyển đổi canh tác khu đất ruộng lúa năng suất thấp sang trồng đậu phộng, rau sạch. Sau hơn 3 năm, các vụ rau màu tươi tốt đã cho gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng và có thêm vốn liếng mua 1 cặp trâu, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi theo mô hình gia trại, đến nay gia đình ông Trung đã có 1,2ha đậu, 6 sào rau xanh trồng trong nhà lưới, đàn trâu béo khỏe 8 con.

Đặc biệt, kể từ khi huyện Ba Tơ triển khai dự án phát triển kinh tế đồi rừng, hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn các xã Ba Dinh, Ba Điền, Ba Thành, Ba Ngạc…đã nhận khoán đất, nhận rừng, mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, tập trung chăm sóc bảo vệ rừng hiện có. Nhờ được tiếp cận đầy đủ, kịp thời hàng trăm tỷ đồng vốn ưu đãi, toàn huyện mỗi năm trồng được 6.600ha keo nguyên liệu, đưa diện tích rừng sản xuất đạt gần 60 nghìn hec-ta, nâng độ che phủ của rừng lên 66,4%; nhiều hộ đồng bào dân tộc Hre đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no đủ hơn.

Đến thăm gia đình ông Phạm Văn Khải, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, chúng tôi được ông cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn, gia đình chỉ có 2 sào ruộng, 5 sào đất rẫy, chỉ biết trồng sắn và lúa rẫy. Dù đã cố gắng, gia đình ông vẫn không lo đủ tiền cho 3 đứa con ăn học. Thấy được hiệu quả của trồng keo nguyên liệu, gia đình ông đã nhận thêm đất và vay hơn 100 triệu đồng của NHCSXH để trồng, chăm sóc. Hiện, gia đình ông sở hữu 6 ha rừng keo nguyên liệu, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình thu từ 30 - 40 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Khải chia sẻ: “Trước đây đồng bào chúng tôi chỉ biết trồng lúa, trồng mì chỉ đủ ăn, từ khi Nhà nước cho vay vốn phát triển trồng rừng keo nguyên liệu, chúng tôi đã có tiền để nuôi các con học hành tử tế, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc”. Hoặc ở xã Ba Lễ, năm nay có 18 hộ khai thác rừng trồng thu về gần hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi hộ gia đình ở huyện miền núi Ba Tơ sở hữu từ 1 - 2ha keo nguyên liệu và có hàng trăm hộ trồng trên 5ha. Đây cũng là điều kiện để những gia đình kinh tế khó khăn có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”.

Ông Phạm Quang Long - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Tơ khẳng định: Trong những năm gần đây, với nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện, nhất là phong trào trồng rừng nguyên liệu cuốn hút hàng ngàn nông dân hăng hái tham gia vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các hộ nông dân đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích đạt hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Nguồn vốn ưu đãi đã làm động lực chính cho phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đồng thời góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của toàn huyện xuống dưới 30%.

Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục huy động nguồn vốn, ưu tiên cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất kinh doanh và tăng cường mối quan hệ với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng quản lý vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tạo mới điều kiện để người dân có điều kiện về vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương Ba Tơ lịch sử.

Bài và ảnh Nguyễn Đông

Các tin bài khác