Nghệ An huy động nhiều nguồn lực để cho vay ưu đãi hiệu quả

24/04/2019
(VBSP News) Những đồng vốn ưu đãi đã được NHCSXH tỉnh Nghệ An chuyển đến người nghèo và các đối tượng chính sách tạo “cú hích” quan trọng để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Gia đình Phạm Văn Kiều ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi đầu tư máy làm nhôm kính

Gia đình Phạm Văn Kiều ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi đầu tư máy làm nhôm kính

Vươn lên từ nguồn vốn chính sách

Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương vốn là hộ cận nghèo, vợ chồng làm đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên được. Năm 2014, nhận thấy tiềm năng từ đồi Động Lim gần nhà, gia đình chị mạnh dạn vay 43 triệu đồng của NHCSXH huyện để trồng rừng keo với diện tích 2,21ha. Năm 2015, từ nguồn vốn hộ cận nghèo, chị Thảo tiếp tục vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi với diện tích 130m2.

Đến nay, trang trại của chị Thảo có diện tích gần 10ha, trong đó có các khu chuồng trại chăn nuôi gà, khu ao thả cá giống, cá thịt; phát triển nguyên liệu giấy,… Hiện đàn gà có trên 2.000 con, thời kỳ cao điểm trang trại chăn nuôi có trên 5.000 con gà. Mỗi năm, từ phát triển kinh tế trang trại, doanh thu của gia đình đạt tới cả tỷ đồng. Đây quả thực là niềm mơ ước của nhiều hộ nông dân trong huyện.

Cũng trên địa bàn huyện Đô Lương, hộ anh Phạm Văn Kiều ở xã Lưu Sơn mở hướng làm ăn từ nghề nhôm kính. Năm 2017, NHCSXH có chủ trương cho vay hộ mới thoát nghèo, anh Kiều được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng mua máy làm nhôm kính. Hiện nay, mô hình đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho 4 công nhân lao động có thu nhập ổn định.

Để có nguồn vốn cho đối tượng chính sách, NHCSXH huyện Đô Lương đã có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực. Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương, Nguyễn Hữu Kỳ cho biết, đơn vị đã tranh thủ nguồn vốn từ TW và vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn trên địa bàn. Quý I/2019, ngoài nguồn vốn cấp trên cấp 24 tỷ đồng, đơn vị tăng cường huy động nguồn vốn, đưa tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến nay đạt gần 80 tỷ đồng. Cùng đó, duy trì hoạt động cho vay có hiệu quả. Tổng dư nợ đến đầu tháng 4/2019 đạt trên 412 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 15/33 xã không có nợ quá hạn.

Tại huyện Anh Sơn, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả. Trong quý I/2019, đơn vị đã thực hiện tăng trưởng được trên 22 tỷ đồng, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phục vụ sản xuất và phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Từ đó, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức hội nhận ủy thác quản lý có hiệu quả nguồn vốn nhận ủy thác; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn, tích cực tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện tốt công tác bình xét, giải ngân các nguồn vốn quay vòng kịp thời.

Đa dạng nguồn vốn cho vay

“Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Nghệ An được quan tâm, tăng cường, đồng thời chúng tôi tích cực huy động các nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn giải ngân của các chương trình tín dụng chính sách và đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống, chú trọng công tác huy động vốn tại Điểm giao dịch xã”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Vinh thông tin.

Ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các Phòng giao dịch tập trung triển khai nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng làm tốt công tác thu hồi, xử lý nợ đến hạn đồng thời cho vay đảm bảo tăng trưởng dư nợ. Song song với hoạt động cho vay, công tác huy động vốn được NHCSXH tỉnh chú trọng. Quý I/2019 đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng với đầu năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 146 tỷ đồng, tăng 19,8 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 166% kế hoạch.

Bên cạnh đó, nhờ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban bí thư, các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã vào cuộc và quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, bên cạnh đó một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã thể hiện trách nhiệm đối với công tác an sinh xã hội, nổi bật như Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam đã ủy thác cho NHCSXH 100 triệu đồng cho vay phát triển các mô hình kinh tế. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn cũng đã quan tâm đến hoạt động ủy thác để giúp đỡ bà con vùng nguyên liệu khó khăn về vốn.

Nhờ đó, doanh số cho vay 3 tháng tăng cao, đạt 757 tỷ đồng. Một số Phòng giao dịch huyện có doanh số cho vay cao như: Diễn Châu 67 tỷ đồng, Thanh Chương 61 tỷ đồng, Quỳ Hợp 60 tỷ đồng, Yên Thành 59 tỷ đồng, Đô Lương 47 tỷ đồng,…

Hiện nay, NHCSXH tỉnh Nghệ An đang tích cực triển khai các chương trình cho vay mới. NHCSXH các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, thẩm định chặt chẽ trước và sau khi cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ và đối tượng thụ hưởng.

 

Bài và ảnh Việt Phương

Các tin bài khác