Kon Tum giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

03/05/2019
(VBSP News) Thời gian qua, những nỗ lực của NHCSXH đã giúp người nghèo, đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn làm ăn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Riêng tại tỉnh Kon Tum, với hơn 50% số dân là đồng bào DTTS, tín dụng chính sách càng là nguồn lực quan trọng giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Chị Y Bờ Lúc ở thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông vay vốn từ NHCSXH để đầu tư trồng sâm dây

Chị Y Bờ Lúc ở thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông vay vốn từ NHCSXH để đầu tư trồng sâm dây

Đòn bẩy khởi nghiệp

Tu Mơ Rông là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Kon Tum đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhưng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chính quyền và người dân nơi đây luôn canh cánh làm sao tìm ra những mô hình, phương thức làm ăn hiệu quả để thoát nghèo.

Những năm gần đây, anh A Điện Trung cùng nhiều hộ bà con khác đang nuôi chí làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh - một loại cây quý mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng mảnh đất này. A Điện Trung hiện là Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lây, người dân tộc Xơ Đăng, được giao quản lý một khu vực trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh. Theo lời anh kể, gia đình anh tính trồng sâm từ cách đây 5 năm. Ban đầu, anh vay vốn 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư cây sâm giống. “Việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh rất tốn kém cho nên từ hai năm nay, cả gia đình phải gom từ nhiều nguồn khác để đầu tư vào vườn sâm như chăn nuôi, bán bò, thu cây dược liệu,… Nhưng tôi vẫn biết ơn những đồng vốn ưu đãi đầu tiên mà NHCSXH đã cho vay”, anh Trung nói. Hiện vườn sâm của gia đình anh Trung đang tạo việc làm cho 12 lao động, đều là bà con DTTS trong vùng.

Cùng với sâm Ngọc Linh, trồng sâm dây cũng đang là một mô hình phát triển kinh tế mới mà nhiều hộ dân tại xã Ngọc Lây đang đầu tư trong mấy năm qua. Được sự khuyến khích và hướng dẫn từ cán bộ xã, chị Y Bờ Lúc ở thôn Măng Rương 1 cũng khởi nghiệp từ vốn đầu tư ban đầu là 40 triệu đồng vay NHCSXH để làm kinh tế từ năm 2017. Đến nay, vườn sâm dây đã cho thu hoạch và bán được 10 triệu đồng. Gom góp từ các nguồn chăn nuôi khác, chị cũng đã trả ngân hàng được 15 triệu đồng. Năm nay, chị Y Bờ Lúc dự tính sẽ đầu tư toàn bộ số tiền thu được từ bán sâm dây để trồng tiếp. “Đất trong rừng có sẵn, gia đình tôi có mấy anh chị em cùng làm. Nhưng giờ bí nhất là tiền để đầu tư nông cụ sản xuất, như: Máy bơm và ống để dẫn nước lên tưới cây. Cho nên gia đình vẫn rất cần được vay thêm vốn ưu đãi của Nhà nước để mở rộng sản xuất”, chị Y Bờ Lúc cho biết.

Tăng thêm nguồn vốn

Theo báo cáo, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông đến nay đạt trên 328 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng so khi mới thành lập (năm 2003). Đến nay, NHCSXH huyện đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách.

Riêng tại xã Ngọc Lây có dự nợ là 10 tỷ đồng với 335 hộ vay. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, Nguyễn Minh Bình, khi biết thông tin NHCSXH nâng mức cho vay tối đa 100 triệu đồng, bà con rất phấn khởi và mong chờ nguồn vốn. “Nếu được vay thêm, hộ nghèo sẽ phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Xã đã cử cán bộ đi gặp các hộ đang phát triển sâm Ngọc Linh và trồng sâm dây. Các hộ bây giờ cũng đang học hỏi nhau để triển khai bài bản”,  Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Bình cho biết thêm.

Huyện Tu Mơ Rông có diện tích tự nhiên hơn 850km2, số dân gần 26 nghìn người, với 6.158 hộ; trong đó DTTS 5.964 hộ, chiếm 96,8%. Đến nay, toàn huyện có 3.219 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 52,27%, giảm 6,39% so với năm 2017. Theo Phó bí thư huyện ủy Tu Mơ Rông, Võ Trung Mạnh, với khí hậu vùng cao (nơi cao nhất là đỉnh núi Ngọc Linh 2.600m), người dân nơi đây chủ yếu tập trung vào phát triển trồng cây dược liệu. Thu nhập bình quân đầu người hiện vào khoảng 20 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2018, số hộ vay qua NHCSXH đã tăng lên rất nhiều, với hơn 18.000 lượt vay.

Với việc người dân tin tưởng và mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, có thể thấy các chương trình tín dụng đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum, Lê Danh Thứ cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 102 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, với 1.671 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các buôn, làng. “Mạng lưới NHCSXH được phủ xuống tận các buôn làng, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời đã giúp người dân dễ dàng vay vốn SXKD, góp phần làm giảm tín dụng phi chính thống”, Giám đốc Lê Danh Thứ chia sẻ. Riêng năm 2018, đã có 25.043 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 731 tỷ đồng; trong đó 8.168 lượt hộ nghèo, 2.371 lượt hộ cận nghèo, 2.687 lượt hộ mới thoát nghèo, 4.726 lượt hộ vay làm công trình cung cấp NS&VSMTNT, 4.418 lượt hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, 24 hộ được vay vốn chương trình NƠXH theo Nghị định 100 của Chính phủ.

Bài và ảnh Hồng Anh

Các tin bài khác