Diện mạo mới ở Lâm Bình

15/05/2019
(VBSP News) Huyện vùng cao Lâm Bình được thành lập vào năm 2011 từ 5 xã của huyện Na Hang và 3 xã của huyện Chiêm Hoá. Đây là huyện “3 nhất”: “Trẻ” nhất - Xa nhất - Khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Chín năm qua, Lâm Bình đã “bật dậy” từ ý chí vượt khó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, khai thác tiềm năng đất và rừng nhằm tạo nên diện mạo mới của huyện.
Nhờ vốn vay tín dụng chính sách, ông Hoàng Văn Trọng chỉnh trang được ngôi nhà sàn khang trang đón khách du lịch

Nhờ vốn vay tín dụng chính sách, ông Hoàng Văn Trọng chỉnh trang được ngôi nhà sàn khang trang đón khách du lịch

Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới
Bà Vũ Thị Hồng Thúy - Giám đốc NHCSXH huyện Lâm Bình cho biết: Với đặc thù là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lâm Bình đã tạo điều kiện cho bà con nhân dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. NHCSXH huyện cũng chủ động phối hợp với các đoàn thể, tiến hành rà soát, kiểm tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn của nhân dân, hướng dẫn các thủ tục nhanh, thuận tiện.
Đến hết quý I/2019, NHCSXH huyện Lâm Bình đạt tổng dư nợ trên 267 tỷ đồng. Dư nợ tập trung vào chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Tính riêng quý I/2019 đã có 156 hộ nghèo, 71 hộ cận nghèo, 74 hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đầu tư kịp thời, đúng đối tượng được thụ hưởng giúp 362 lao động có việc làm, xây dựng được 230 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Nguồn vốn ưu đãi “phủ sóng” khắp bản làng, trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” cho nhiều gia đình ổn định kinh tế và thực hiện các tiêu chí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay huyện Lâm Bình có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển kinh tế hàng hóa
Cùng với xây dựng cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm), Lâm Bình huy động, lồng ghép tất cả các nguồn vốn cho nông dân vay, chuyển dịch một cách mạnh mẽ từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Một số vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi đã hình thành, như: vùng lúa chất lượng cao 637ha, lạc 256 ha, mía 100ha, chè shan 250ha, vùng trồng rau 42ha. Chăn nuôi được huyện chú trọng đầu tư, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập chính cho người dân. Huyện đã triển khai nhiều dự án, như: nuôi cá lồng, vịt trẻ trứng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; nuôi lợn đen, nuôi dê…
Đặc biệt, trong năm 2017 Lâm Bình đã thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình du lịch cộng đồng Homestay”, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng văn hóa dân tộc Tày ở các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can. Huyện đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành chỉnh trang các khuôn viên nhà cửa, xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, bổ sung dịch vụ, như: chèo thuyền kayak, cho thuê xe đạp, xe máy, câu cá… phục vụ du khách.
Ông Hoàng Văn Trọng ở thôn Na Tông, xã Thượng Lâm cho biết: Khi du lịch hồ sinh thái Na Hang thu hút đông đảo khách du lịch, lượng khách nghỉ chân tại gia đình ngày một tăng, ông quyết định vay vốn NHCSXH sửa lại ngôi nhà sàn truyền thống, chỉnh trang lại khuôn viên, đường đi lại để đón khách. Giá dịch vụ ngủ lại qua đêm là 80.000 đồng/khách; ăn trưa và tối đều có giá 80.000 - 100.000 đồng/người, tùy theo thực đơn, gia đình sẽ đáp ứng theo yêu cầu của khách. Ông còn mua hơn chục xe đạp cho du khách thuê đi trong ngày, với giá 30.000 đồng/ngày. Tính sơ, những ngày cao điểm gia đình ông đón tiếp trên 30 lượt khách.
Lần đầu tiên người nông dân miền núi Lâm Bình biết làm du lịch và du lịch đã bắt đầu cho họ “quả ngọt”. Năm 2017, Lâm Bình đã thu hút trên 35.000 lượt khách du lịch, đạt doanh thu trên 21 tỷ đồng. Thành công vượt bậc, mở ra hướng mới lag làm kinh tế du lịch của huyện vùng cao Lâm Bình.

 

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác