Bước chuyển lớn trong nhận thức và hành động ở huyện Hàm Thuận Nam

13/05/2019
(VBSP News) Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động. Một quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền đã mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân... Đó là chia sẻ của Bí thư huyện ủy Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) Nguyễn Minh (ảnh) về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40).

55566666

Đưa vào nghị quyết việc ủy thác nguồn vốn

Phóng viên: Ông có thể điểm qua những kết quả nổi bật sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn?

Trả lời: Thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm… là điều dễ nhận thấy nhất ở Hàm Thuận Nam. Với việc bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện; dốc toàn tâm, toàn lực hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc, bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch; chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng… là minh chứng cho sự thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.

Tính đến hết năm 2018, chúng tôi bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay đạt trên 2 tỷ đồng. Riêng năm 2018, HĐND huyện điều chỉnh Nghị quyết giao UBND huyện bố trí 500 triệu đồng; hàng năm, căn cứ khả năng nguồn thu ngân sách, huyện chủ động sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, hỗ trợ cho NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay giảm nghèo.

Công tác phối hợp giữa NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác cũng được nâng cao. Hiện nay, NHCSXH huyện thực hiện tổ chức giao dịch tại 13 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND 13/13 xã, thị trấn. Việc phối hợp này đã giúp các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng hoạt động; tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giúp người nghèo có điều kiện được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí… Hiện, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH huyện cho hơn 9.000 hộ vay vốn, với tổng số tiền 232 tỷ đồng, chiếm trên 99,9% tổng dư nợ tín dụng.

Ngược lại, năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện được nâng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% thôn, khu phố của huyện; chuyển tải kịp thời 245 tỷ đồng vốn tới tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, số vốn thu hồi nợ đạt 167 tỷ đồng; nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,4%/tổng dư nợ, riêng nợ quá hạn tại thời điểm 31.12.2018 chỉ chiếm 0,26%/tổng dư nợ.

Khoảng cách giàu nghèo dần thu hẹp

Phóng viên: Kết quả đó đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân Hàm Thuận Nam nói chung và hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn nói riêng?

Trả lời: Đúng như những gì chúng tôi đã nhận định khi triển khai Chỉ thị 40. Nguồn vốn này đã góp phần giúp huyện thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Giúp cho hệ thống dân - chính - Đảng ngày càng gắn bó; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, qua nguồn vốn đã có hơn 1.265 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 512 lao động; trên 500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 13.586 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 12 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình có thu nhập thấp…

Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định Chỉ thị số 40 là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, là kim chỉ nam quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Nông dân ở huyện Hà Thuận Nam sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển cây Thanh Long - cây đặc sản địa phương

Nông dân ở huyện Hà Thuận Nam sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển cây Thanh Long - cây đặc sản địa phương

Khó, cũng sẽ bố trí!

Phóng viên: Vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Trước hết, tôi xin khẳng định, dù khó khăn đến đâu, huyện cũng sẽ cân đối dành một nguồn lực ủy thác sang NHCSXH huyện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trong điều kiện tối đa có thể. Năm 2018, mặc dù nguồn thu của toàn huyện chỉ dư chưa đầy 4 tỷ đồng, song trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2019 của HĐND huyện cũng đã ghi rõ sẽ bố trí ít nhất 500 triệu đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách. Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc và có kết quả Chỉ thị 40, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Rà soát, đáp ứng đủ nguồn vốn một cách nhanh nhất, đơn giản nhất đến đúng đối tượng. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với đơn vị có liên quan tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ các hoạt động khuyến công, nông, lâm, ngư; hỗ trợ kỹ thuật, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị 40; kịp thời khen thưởng, động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến hết năm 2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Hàm Thuận Nam đạt 232 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng (tăng 51,4%); tổng dư nợ đạt 231,8 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng (tăng 50,9%) với gần 9.020 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

 

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác