Vốn giảm nghèo trên hành trình mới
Thách thức từ chuẩn nghèo đa chiều mới
Vẫn theo dòng chảy vốn chính sách đến với các địa bàn trong tỉnh, chúng tôi trở lại Giang Sơn, huyện Gia Bình, vốn là một xã nghèo của tỉnh nhưng nay đã là một xã NTM và là một trong những điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Trương Gia Huy khẳng định: Nhiều năm qua, chính nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà nhiều hộ gia đình trong xã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng, nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp xã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hiện xuống chỉ còn 1,35%.
Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã đạt hơn 36,2 tỷ đồng với hơn 860 hộ còn dư nợ. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ gia đình trên địa bàn. Khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã sẽ tăng, là một thách thức không nhỏ đối với địa phương, nhất là việc đáp ứng các nguồn lực cho phát triển kinh tế và các dịch vụ cơ bản khác của người dân…
Chia sẻ về điều này, Giám đốc NHCSXH huyện Gia Bình Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Từ năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều mới quy định, hộ nghèo: Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Với tiêu chí này sẽ làm cho số hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi theo chiều hướng tăng cao. Đây là cơ hội để mở rộng diện hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, song cũng là thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và phù hợp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu vốn chính sách của NHCSXH.
Hiện nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Gia Bình đạt 342,8 tỷ đồng; trong đó, dư nợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo 117,7 tỷ đồng. Những năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện. Chỉ tính năm 2020, vốn tín dụng chính sách hỗ trợ hơn 1.000 lượt hộ vay vốn với hơn 500 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 550 lao động từ vốn giải quyết việc làm… Tuy nhiên, khi áp chuẩn nghèo đa chiều mới, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tăng thì không những phải kịp thời tăng nguồn vốn ưu đãi mà còn phải có những giải pháp đồng bộ khác về dịch vụ xã hội… Đây là một khối lượng lớn các công việc, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở.
Niềm tin vững chắc
Mặc dù lo lắng về những khó khăn, thách thức đặt ra khi áp chuẩn nghèo đa chiều mới, song từ lãnh đạo UBND xã Giang Sơn, đến NHCSXH huyện Gia Bình hay những người mà chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc thì niềm tin, sự quyết tâm sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn luôn hiện hữu.
Trong ngôi nhà mới xây kiên cố, anh Nguyễn Văn My ở thôn Bến Long, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành chia sẻ: Nhờ được vay vốn ưu đãi chương trình nhà ở xã hội của NHCSXH cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, gia đình mới xây được nhà kiên cố. Giờ đây, chúng tôi đã “an cư”, có thể yên tâm làm kinh tế để từng bước vươn lên. Ngoài ra, với 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế VAC, lấy ngắn nuôi dài, từng bước phát huy hiệu quả. Dù áp chuẩn nghèo đa chiều mới với tiêu chí cao hơn thì chúng tôi vẫn tin tưởng sẽ sớm thoát nghèo…
Cũng dòng suy nghĩ đó, chị Trần Thị Bình ở thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ được NHCSXH cho vay lồng ghép 3 chương trình (nhà ở xã hội; cho vay hộ cận nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). “Được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay ưu đãi và nhiều chính sách khác thì bản thân mỗi hộ nghèo sẽ nỗ lực, tìm hướng thoát nghèo bền vững. Hiện nay, cùng với vay vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình tôi còn được xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng kiến phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt. Với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành, gia đình tôi sẽ quyết tâm sớm thoát nghèo”, chị Bình chia sẻ.
Chia sẻ niềm tin của các hộ nghèo với đồng chí Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quế Võ, chúng tôi được biết, đó còn là niềm tin, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Thời gian qua, nhờ các giải pháp đồng bộ và hiệu quả được triển khai, tỷ lệ hộ nghèo của Quế Võ liên tục giảm từ 3,5% năm 2016 xuống còn 1,8% năm 2020. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đưa công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu và hiệu quả, thông qua việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh. Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, những tấm gương thoát nghèo… nhằm tạo động lực và ý chí vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể phối hợp đồng bộ, hiệu quả với NHCSXH để đưa nhanh, kịp thời, hiệu quả nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn…
Những giải pháp căn cơ
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh Hoàng Trọng Cường cho biết: Những năm qua, nhờ huy động tốt các nguồn lực, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH nên mục tiêu giảm nghèo bền vững của Bắc Ninh đã đạt được những thành quả quan trọng. Bước vào giai đoạn mới, khi Bắc Ninh đang đẩy nhanh công cuộc phát triển hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TW theo hướng văn minh, hiện đại thì nhiệm vụ đặt ra cho công tác giảm nghèo bền vững càng trở nên cấp thiết, nhất là theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng từ năm 2022.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã xác định nhiệm vụ cụ thể: Tăng cường sự kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo trong 5 năm. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, có tính căn cơ, bài bản hơn, đi vào những nội dung cụ thể, phù hợp với từng địa phương; rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội hướng đến chăm lo vật chất, tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế trên địa bàn; tạo thêm nhiều cơ hội cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống thông qua việc đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngoài nguồn vốn từ NHCSXH Trung ương cấp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND về quy chế quản lý và sử dụng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm bảo đảm cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đều được vay vốn tại NHCSXH. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các đoàn thể phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với NHCSXH từ việc rà soát, điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH để giải ngân nguồn vốn ưu đãi kịp thời, nhanh chóng đến các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đồng vốn, phối hợp hiệu quả trong việc hướng dẫn chuyển giao KHKT, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm SXKD… để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi và cũng là nâng cao khả năng tự vận động, tự vươn lên của chính người nghèo.
Đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách là một nhiệm vụ thường xuyên, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và các mục tiêu phát triển của địa phương.
Đây là những giải pháp căn cơ, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cần được thực hiện triệt để với tinh thần quyết liệt từ tỉnh tới cơ sở để dòng vốn ưu đãi của Đảng và Nhà nước tiếp tục chảy mạnh và lan rộng đến khắp các miền quê, đến mọi đối tượng thụ hưởng. Từ đó tạo động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách khác nỗ lực vươn lên, quyết tâm giảm nghèo, tạo dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Tin tưởng rằng, với những giải pháp được đặt ra cụ thể cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu về giảm nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Bài và ảnh Hà Linh - Lê Thanh
Các tin bài khác
- » NHCSXH huyện Xín Mần tiếp sức cho người dân thoát nghèo
- » Vốn chính sách hướng đến nhu cầu đời sống thiết thực
- » Kênh dẫn vốn cho hộ nghèo ở Tam Dương
- » Đồng hành với người nghèo
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại NHCSXH”
- » Thành phố Bạc Liêu nâng cao chất lượng chất lượng tín dụng chính sách
- » Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng nâng cao
- » Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở huyện Mỹ Tú
- » Giải pháp hỗ trợ người dân trồng hành tím