Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn chính sách của người dân

12/08/2021
(VBSP News) Mặc dù dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, nhưng thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa đảm bảo an toàn, vừa triển khai thông suốt hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ SXKD của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
ninh binh

NHCSXH giao dịch tại Điểm giao dịch xã

Giữ thông dòng chảy vốn chính sách

Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Phạm Đức Cường cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2021, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình vẫn đảm bảo thông suốt dòng chảy vốn tín dụng chính sách ở các địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 31.7.2021, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh đạt hơn 2.800 tỉ đồng, đạt 99% kế hoạch tăng trưởng, tăng hơn 195 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối Trung ương chiếm gần 80% tổng nguồn vốn.

Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã dành nguồn vốn ủy thác trên 44 tỉ đồng sang NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, đưa tổng nguồn vốn ủy thác lên trên 167 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia gửi tiền tiết kiệm vào NHCSXH nhằm tạo lập nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để nguồn vốn trên nhanh chóng đến với bà con trong toàn tỉnh, kịp thời đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, chi nhánh tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn xuống các huyện, thành phố, từ đó làm cơ sở tiếp tục phân bổ cho các xã, phường, thị trấn. Khi có nguồn vốn phân bổ, đơn vị phối hợp chỉ đạo các tổ chức trong mạng lưới đẩy mạnh giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, đôn đốc hộ vay thực hiện tốt việc trả nợ đến hạn, thu hồi nợ quá hạn, đề nghị xử lý nợ bị rủi ro.

Mặt khác, chi nhánh tỉnh, Phòng giao dịch các huyện cũng phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác duy trì chất lượng công tác giao ban định kỳ để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện ủy thác cho vay cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.Với sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, ngành, việc giải ngân vốn vay ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đang được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và đáp ứng khá tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng.

Doanh số cho vay đến 31.7.2021 đạt trên 618 tỉ đồng với 18.553 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay NS&VSMTNT, cho vay SXKD vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm… Tổng dư nợ đạt hơn 2.796 tỉ đồng, đạt 91% kế hoạch tăng trưởng năm 2021.

Thực hiện tốt “mục tiêu” kép

Từ đầu năm đến nay, chi nhánh tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, đơn vị có các biện pháp bảo đảm an toàn đối với cả cán bộ ngân hàng cũng như khách hàng đến giao dịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ.

Chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn ở tất cả các địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt những khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó, có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng khôi phục SXKD.

Hiện nay, chi nhánh đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay đã có 2 doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất các tháng 5, 6, 7 cho 115 lượt lao động với số tiền là 442 triệu đồng.

Với việc triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hàng nghìn hộ nghèo, các đối tượng chính sách đã có vốn để SXKD, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và hàng trăm lao động có nguồn thu nhập ổn định, từ đó góp phần thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hoanxã Kim Chính, huyện Kim Sơn phấn khởi chia sẻ: “Được Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý bình xét vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, tôi đã đầu tư cải tạo chuồng trại, mua bò sinh sản để phát triển kinh tế cho gia đình. Có tư liệu sản xuất, gia đình tôi quyết tâm phát huy hiệu quả nguồn vốn và phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong năm tới”.

Cũng được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chị Lê Thị Nga xã Khánh Cường đang đầu tư mua cải tạo diện tích đất thầu để thả cá và trồng cây ăn quả. “Tôi rất vui mừng vì được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Từ nay gia đình tôi có thêm sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững và vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra”, chị Nga tâm sự.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay đang có hơn 3.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVI-19 có nhu cầu cấp thiết được vay vốn tín dụng chính sách để khôi phục SXKD, ổn định cuộc sống. Song nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương được giao tăng trưởng năm 2021 kết hợp với nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng năm 2021 trên địa bàn hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép”, chi nhánh tỉnh tham mưu UBND các cấp bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh COVID-19. Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, kết hợp với nguồn vốn của ngân sách địa phương và vốn huy động để đáp ứng yêu cầu cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Bài và ảnh Hồng Hoa

Các tin bài khác