Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo
Tham dự buổi phát động có các đồng chí: Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Đỗ Việt Anh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Ninh Bình và một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát huy được hiệu quả to lớn, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Ngoài nguồn vốn của Trung ương, Ninh Bình đã huy động có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang và các tổ chức, cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Tổng nguồn vốn đến hết tháng 6/2021 đạt hơn 2.804 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần so với năm 2002.
Để tiếp tục tạo nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 2/6/2021 về tổ chức Ngày “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.
Việc tổ chức ngày “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tạo nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Đồng thời, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc tạo nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội; vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tham gia “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, bằng hàng loạt các chính sách, các giải pháp, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, chương trình giảm nghèo của tỉnh đã được thực hiện rất hiệu quả, cải thiện diện mạo nghèo đói ở các vùng trong toàn tỉnh. Trong các chính sách giảm nghèo, chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách do NHCSXH chủ trì thực hiện là đặc biệt quan trọng, là khâu đột phá trong công tác giảm nghèo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tế của địa phương.
Thông qua sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo.
Toàn tỉnh đã có hơn 500 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay gần 9.000 tỷ đồng, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động tín dụng chính sách, tạo nguồn lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững, thời gian tới đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững.
Trọng tâm là tiếp tục quan tâm bố trí vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nâng thêm tỷ trọng kinh phí thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trong tổng kinh phí thực hiện kế hoạch giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị chi nhánh NHCSXH tỉnh tích cực, chủ động tham mưu, báo cáo Trung ương bổ sung nguồn vốn tăng trưởng hàng năm; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ chương trình giảm nghèo của tỉnh; vận động, khai thác hiệu quả các nguồn vốn nhàn rỗi của tổ chức, cá nhân tạo lập nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; cũng chính là góp phần chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ngay trong ngày đầu tiên phát động Ngày “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” đã có 751 tập thể, cá nhân gửi tiền tiết kiệm và đăng ký gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH tỉnh Ninh Bình với tổng số tiền 26 tỷ đồng.
Hồng Giang
Các tin bài khác
- » Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn và Điểm giao dịch xã
- » Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tại NHCSXH
- » Xuân Lộc viết tiếp hành trình nông thôn mới kiểu mẫu
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Tân
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác cho thanh niên
- » Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”
- » Tín dụng chính sách giúp vùng chè Thái Nguyên giảm nghèo bền vững
- » Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng chính sách
- » Đồng vốn ưu đãi tiếp sức CCB làm giàu