Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”

24/06/2021
(VBSP News) Chiều 24/6/2021, NHCSXH đã phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách (PRI), Bộ Tài chính Nhật Bản và Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vi mô Nhật Bản (JFC-Micro) tổ chức tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. Chủ tịch PRI, Bộ Tài chính Nhật Bản Sakata Wataru và Phó Tổng Giám đốc Trần Lan Phương đồng chủ trì buổi tọa đàm. Cuộc họp được kết nối trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở PRI, Bộ Tài chính Nhật Bản và trụ sở chính NHCSXH.
image001

Điểm cầu tại NHCSXH

Sau phần khai mạc, các chuyên gia của Nhật Bản trình bày về tình hình kinh tế các Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản và các biện pháp chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính: Tình hình tài chính của doanh nghiệp trước Covid-19; Tính dễ bị tổn thương của doanh nghiệp do Covid-19 và tác động của các biện pháp tài chính và tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp; Các chính sách cần thiết để giải quyết cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Tiếp theo chương trình, đại diện phía NHCSXH cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, NHCSXH luôn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, cho vay bổ sung, cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, miễn phí chuyển tiền cho khách hàng đến hết năm 2021 cũng như các biện pháp theo quy định 5K đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các Điểm giao dịch xã trên toàn quốc. Tính đến ngày 14/6/2021, đã có trên 5 triệu lượt khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn NHCSXH với số tiền là 181.621 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 376 lượt khách hàng với số tiền là 172 tỷ đồng. 

image003

Điểm cầu tại Nhật Bản

Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đưa ra các câu hỏi, ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình giải ngân cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát và giải ngân những món vay mới cho những khách hàng bị ảnh hưởng; kinh nghiệm xử lý nợ bị rủi ro trong tình hình dịch bệnh Covid-19; trao đổi những ứng dụng của quá trình hợp tác trước đây giữa 2 cơ quan NHCSXH và JFC-Micro trong quản lý, quản trị của đơn vị…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Trần Lan Phương đã khái quát kết quả hoạt động của NHCSXH trong 20 năm hoạt động, quy mô nguồn vốn của NHCSXH hiện đạt 254.965 tỷ đồng và dư nợ đạt trên 239.000 tỷ đồng, với 6,5 triệu khách hàng đang có dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh 0,7%/tổng dư nợ. Những kết quả của NHCSXH trong quá trình hoạt động đã khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của NHCSXH trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc cũng thông tin thêm những giải pháp mà NHCSXH đang thực hiện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

Nhắc lại những kết quả thành công của dự án Hợp tác kỹ thuật giữa PRI, Bộ Tài chính Nhật Bản và JFC-Micro với NHCSXH từ năm 2003 đến 2011, Phó Tổng Giám đốc cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của đối tác Nhật Bản đã hỗ trợ và cung cấp những kinh nghiệm, kiến thức cần thiết về phương pháp thẩm định trong quá trình cho vay doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp và cho vay HSSV; đồng thời, truyền đạt những kinh nghiệm về quản lý món vay, quản lý điều hành chi nhánh, xây dựng bộ tài liệu thẩm định tín dụng doanh nghiệp và nâng cao năng lực hệ thống đào tạo nội bộ của NHCSXH.

Ông Sakata Wataru - Chủ tịch PRI, Bộ Tài chính Nhật Bản kết luận: Buổi tọa đàm sẽ mở ra mối quan hệ hợp tác linh hoạt, kịp thời trong thời gian tới. Hai bên cũng mong muốn nhận được thông tin từ các tổ chức quốc tế, đánh giá trên toàn cầu về tác động của dịch Covid-19 trong bối cảnh nói chung để so sánh, đưa ra phương án giải pháp phù hợp. Ông Sakata Wataru cũng nhấn mạnh, mặc dù dự án Hợp tác kỹ thuật giữa hai bên đã kết thúc từ lâu nhưng các hoạt động giao lưu, trao đổi vẫn luôn được duy trì và hy vọng thời gian tới, sẽ có chương trình trao đổi đoàn, làm việc trực tiếp khi đại dịch kết thúc. 

PV

Các tin bài khác