Nậm Lạnh giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

12/08/2021
(VBSP News) Nậm Lạnh 1/4 xã vùng cao, biên giới, thuộc huyện nghèo Sốp Cộp (Sơn La). Dân cư, chủ yếu là đồng bào DTTS từ lâu đời sống chung với đói, nghèo. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, thông qua các chương trình 30a, 135, trong đó có tín dụng chính sách đồng hành, với một quyết tâm cao, bằng những giải pháp đúng, Nậm Lạnh đã từng bước giảm nghèo bền vững.
Nhân dân bản Lọng Tòng thu hoạch quýt

Vốn chính sách mang “mùa vàng”đến vùng dất dốc Nậm Lạnh

Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh Vi Văn Định cho biết: Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, cả hệ thống chính trị của xã cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ và đúng về cơ chế, chính sách giảm nghèo. Từ đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức tự chủ tự lực vươn lên thoát nghèo; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng. Rà soát phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có giải pháp giúp đỡ hiệu quả. Trong đó, ưu tiên hộ nghèo thuộc gia đình chính sách; hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Xã xây dựng và thực hiện 3 giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo gồm: cải tạo, chuyển đổi vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế; phát triển chăn nuôi đại gia súc; dạy nghề cho lao động nông thôn. Dựa vào địa hình, khí hậu và dân trí, xã xác định rõ các tiểu vùng trồng cây gì, nuôi con gì; triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để nhân dân học hỏi.

Cụ thể, ở các bản vùng thấp, gần trung tâm xã như: Lọng Tòng, bản Phổng trồng cam, quýt. Đến nay, toàn xã đã trồng được 124ha cam, quýt. Anh Tòng Văn Tiên - Trưởng bản Lọng Tòng cho biết: Trước đây người dân trong bản chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống quanh năm thiếu đói. Được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, tín dụng chính sách cho vay vốn ưu đãi, bà con chuyển sang trồng cam, quýt cho thu nhập cao, ổn định. Bản hiện có 20ha cây ăn quả, trong đó, 8ha cho thu hoạch, năm vừa rồi đạt gần 50 tấn quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ còn 4,8%, thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm.

Đối với vùng cao, các bản đồng bào dân tộc Mông cư trú, phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, như: nuôi dê ở bản Mới, nuôi bò sinh sản ở bản Pánh Han… Xưa, chăn nuôi gia súc thả rong, sản phẩm tự cung, tự cấp là chính, hiện  nay, vật nuôi nhốt chuồng, trồng cỏ để chủ động thức ăn 4 mùa. Theo hướng này, đến nay, toàn xã có đàn gia súc hơn 4.300 con.

Anh Lò Văn Mạnh ở bản Mới, là một nông dân cần cù, chịu khó, có chí vươn lên thoát nghèo, chia sẻ: Năm 2016, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, tôi mua 5 con dê, 1 con bò cái. Dê sinh sản nhanh, ít bệnh tật nên dễ nuôi, sau một năm tôi có 12 con dê. Nhưng, gần đây giá dê không ổn định, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi, nên chuyển sang nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản, sau 6 tháng đã có thể xuất bán. Hàng năm cho thu nhập 60 triệu đồng. Từ một hộ nghèo có “thâm niên”, gia đình tôi thoát nghèo bền vững.          

Cũng ở bản Mới, năm 2018, chị Lò Thị Bân là một hộ nghèo được nhận hỗ trợ từ chương trình 30a một con bò cái sinh sản. Chị mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ NHCSXH, mua thêm 2 con bò để chăn nuôi. Được cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” từ cách chăm sóc, làm chuồng trại đến kỹ thuật trồng cỏ, nên đàn bò phát triển tốt. Đến nay đã tăng lên 6 con. “Tôi đã trả hết nợ ngân hàng và có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái. Hiện gia đình đã thoát nghèo”, chị Bân tâm sự. Cũng như anh Mạnh, chị Bân, 840 hộ nghèo, gia đình chính sách ở Nâm Lạnh đã được vay vốn NHCSXH để phát triển chăn nuôi, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi mang màu xanh cam, quýt lên đồi dốc; trâu, bò vào chuồng ngày một nhiều của bà con người Mông. 

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã cũng được huyện quan tâm đầu tư, như: tuyến đường liên xã Nậm Lạnh đi Dồm Cang, Nậm Lạnh đi Mường Và, nhà văn hóa bản Cang Kéo, Pá Vai, nhà lớp học bản Púng Tòng, công trình thủy lợi bản Nậm Lạnh.

Theo đánh giá của tỉnh, Nậm Lạnh là thí dụ điển hình cho sự chuyển mình của Sơn La nói chung và huyện Sốp Cộp nói riêng. Khi cấp ủy, chính quyền đưa ra chủ tương đúng, vận dụng hợp lý các nguồn đầu tư của Chính phủ, có tín dụng chính sách đồng hành, nhân dân ủng hộ là bước đi thành công trong công cuộc giảm nghèo bền vững nơi miền biên ải. 

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác