Vốn chính sách “phủ sóng” giúp nông dân Gia Lai tăng thu nhập

12/01/2023
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
anh-bai-ngan-hang-csxh-1673258436094412118217

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, ông Phạm Văn Công ở xã Sơn Lang, huyện Kbang đầu tư trồng cây ăn quả

“Bệ đỡ” giúp hộ nghèo vươn lên
Trước đây, số hộ nghèo tại xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa chiếm tỷ lệ cao nhưng từ khi người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của NHCSXH huyện đã mở ra nhiều hướng giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Chị Ksor H’Mơn ở buôn Ma Rin 2 cho biết: Năm 2018, chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư mua 3 con bò về nuôi. Sau 3 năm, đàn bò đã phát triển lên 7 con, trị giá gần 100 triệu đồng. Năm 2021, sau khi trả hết nợ, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng đầu tư mua đất sản xuất nhằm tăng thu nhập. Hiện nay, ngoài duy trì đàn bò 4 con, gia đình chị còn mua được 1 sào đất để trồng lúa. Cuối năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo.
Cũng như chị Ksor H’Mơn, ông Phạm Văn Công ở thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện năm 2018 để trồng cây ăn trái. Đến nay, gia đình ông đã trả hết nợ vay và được NHCSXH huyện Kbang tạo điều kiện cho vay tiếp 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại của gia đình. Hiện nay, vườn cây ăn trái cho thu hoạch mỗi năm 15 tấn cam và quýt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Còn anh Hoàng Tuấn Thành ở thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê cho biết: “Nguồn sinh kế của gia đình chủ yếu từ 6 sào cà phê và 2 sào cam, na Thái. Muốn vườn cây có năng suất, chất lượng cao, cho thu nhập đều đặn thì phải đầu tư chăm sóc bài bản. Từ năm 2018 đến nay, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện để đầu tư chăm sóc vườn cây, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định hơn. Vừa qua, tôi tiếp tục vay 40 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê Nguyễn Hữu Tỵ chia sẻ: Để giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp ủy thác với NHCSXH. Qua 20 năm thực hiện ủy thác cho vay, đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân quản lý là 122,1 tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ ủy thác với 4.335 hộ vay vốn. Nguồn vốn ủy thác này đã góp phần giúp hội viên nông dân trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hơn 225.000 lượt hộ nghèo thoát nghèo
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm thì sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, chi nhánh đã triển khai 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 16.848 tỷ đồng với 783.512 lượt khách hàng vay vốn.
Tổng dư nợ đến nay đạt hơn 5.797 tỷ đồng, tăng hơn 5.711 tỷ đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,3%, với trên 146.447 hộ còn dư nợ. Riêng dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đạt 2.978 tỷ đồng (chiếm 51,4% tổng dư nợ) với 87.573 hộ vay vốn.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp hơn 225.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hút và giải quyết cho 35.000 lao động có việc làm ổn định; hỗ trợ gần 64.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 14.000 căn nhà để ở cho hộ nghèo; xây dựng hơn 200.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường. Đặc biệt, từ nguồn vốn chính sách xã hội địa phương cũng đã giúp 68 đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho hơn 1.000 lao động vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa qua.

Đức Thịnh

Các tin bài khác