Đa dạng phương thức hỗ trợ giảm nghèo bền vững

18/01/2023
(VBSP News) Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của các địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
1

Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ dân tỉnh Long An có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống

Nhiều năm qua, gia đình bà Phạm Thị Liệt ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành thuộc diện hộ nghèo nên được địa phương đặc biệt quan tâm. Bà được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo như: miễn, giảm tiền điện, nước; cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ cấp Tết;… Đặc biệt, chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH huyện Châu Thành đã tiếp thêm nguồn lực giúp bà nuôi 2 người con học cao đẳng, ra trường có việc làm ổn định. Bà Liệt tâm sự: “Hơn 10 năm là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Sau khi 2 con ra trường, có việc làm ổn định, gia đình tôi quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo”.
Thực hiện hương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Châu Thành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo; đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Theo đó, năm 2022, huyện giải quyết việc làm cho gần 2.800 lao động; xây tặng 54 căn nhà tình thương, Đại đoàn kết cho người nghèo khó khăn về nhà ở, với kinh phí trên 2,7 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hà Minh Tuấn cho biết: “Năm 2022, huyện đưa ra kế hoạch giảm 36 hộ nghèo nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, cuối năm 2022, toàn huyện giảm 96 hộ nghèo, đạt 266% kế hoạch. Hiện huyện còn 0,53% hộ nghèo, 2,02% hộ cận nghèo”.
Tại huyện Thủ Thừa, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Lê Thị Lặc ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tín chấp cho vay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng 150 gốc chanh.
Bà Lặc chia sẻ: “Lãi suất vay của NHCSXH huyện Thủ Thừa rất thấp, phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo. Đa số hộ nghèo, cận nghèo đều thiếu vốn phát triển sản xuất, do đó, khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình rất mừng. Đây là “cần câu” giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa Phạm Thị Hồng Thúy cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nhận ủy thác của NHCSXH huyện trên 12 tỷ đồng để giúp cho trên 350 hộ hội viên vay vốn. Những hộ này đều làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình, có thêm thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đầu năm 2022, tỉnh Long An còn 6.296 hộ nghèo, chiếm 1,31%. Đến nay, hộ nghèo còn 4.764 hộ, (giảm 1.532 hộ nghèo), chiếm 0,9%, không có hộ tái nghèo hoặc phát sinh nghèo. Con số này cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo.

Kim Ngọc

Các tin bài khác