Hành trình từ trái tim đến với trái tim

18/01/2023
(VBSP News) 20 mùa xuân làm “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định thấm đẫm mồ hôi của hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên, người lao động trong hệ thống. Song, hơn cả là những nụ cười, những niềm vui đong đầy khi nhìn đồng vốn mỗi ngày đơm hoa kết trái ngọt cho đời, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với người nghèo.
images1327394_1

Cán bộ NHCSXH luôn tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ người dân các thủ tục vay vốn ngay tại Điểm giao dịch xã

Những đồng vốn nhân văn
Có mặt tại Điểm giao dịch UBND xã Yên Lợi, huyện Ý Yên trong một sáng chớm đông, từ sáng sớm đã thấy đông đảo người dân, trên gương mặt ai cũng tràn đầy hy vọng bởi hôm nay, vốn tín dụng chính sách sẽ trao cho họ khát vọng đổi đời. Chị Nguyễn Thị Nga ở xóm Nam Sơn, thôn Ngô Xá chia sẻ với chúng tôi: “Gần 5 năm nay, vốn tín dụng chính sách đã luôn đồng hành cùng gia đình tôi, vực dậy kinh tế gia đình từ hộ cận nghèo và sắp tới là thoát nghèo bền vững”.
Từ năm 2016, vợ chồng chị Nga góp vốn liếng đầu tư trang trại VAC tổng hợp nuôi cá và lợn thịt để phát triển kinh tế với gần 100 con lợn. Thời điểm đó, NHCSXH huyện Ý Yên đã hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình chị vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư xây dựng chuồng trại, kè ao. Đến năm 2019, không may “bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua, cả trang trại lợn phải tiêu hủy, gia đình cạn kiệt vốn, đành bỏ chuồng trống, chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ. Sang năm 2020, được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình quyết tâm gây dựng lại trang trại, đầu tư 7 sào ao nuôi cá rô phi đơn tính; bình quân mỗi năm gia đình thu được gần 100 triệu đồng. Số lãi từ nuôi cá được gia đình quay vòng tái đàn lợn. Đến nay, gia đình chị Nga đã khôi phục lại được đàn lợn như trước khi xảy ra dịch với 100 con lợn thịt, 9 con lợn nái. Bình quân mỗi năm trang trại của gia đình chị đem lại thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng từ nuôi lợn thịt và cá rô phi đơn tính.
Chủ tịch UBND xã Yên Lợi Trần Xuân Tuân cho biết: Kể từ khi mô hình tổ giao dịch tại xã của NHCSXH ra đời đến nay, đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả trong đợt dịch COVID-19 căng thẳng nhất trong 2 năm 2020, 2021, cứ đến mùng 9 hàng tháng, cán bộ NHCSXH huyện Ý Yên lại có mặt để thực hiện các giao dịch tại UBND xã. Đã rất quen thuộc với hình ảnh cán bộ ngân hàng mang theo các thiết bị, dụng cụ làm việc từ thùng đựng hồ sơ, máy tính, máy đếm tiền… về tận trụ sở xã miệt mài phục vụ bà con. Những đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp cho cuộc sống người dân quê tôi vơi bớt rất nhiều khó khăn, góp phần không nhỏ trong công cuộc giảm nghèo bền vững của Yên Lợi để xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Lợi là hơn 10%, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 2%. Kết quả đó có sự đóng góp bền bỉ của cán bộ NHCSXH giúp cho nguồn vốn tín dụng chính sách trên quê hương Yên Lợi chúng tôi “đơm hoa, kết trái”, đem đến những mùa quả ngọt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hai thập kỷ đong đầy nghĩa tình

untitled-1_20230116091404

Nhờ vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân tỉnh Nam Định đã xây dựng được mô hình kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm

Hành trình tín dụng chính sách đã đi qua 20 năm nhưng trong ký ức những người cán bộ tín dụng tiên phong của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định lúc ấy, những trải nghiệm khó khăn ngày đầu thành lập ngỡ như vừa mới hôm qua. Nhớ ngày đầu mới thành lập, đội ngũ nhân lực thiếu hụt, địa bàn phần lớn tập trung ở những vùng nông thôn đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông lẫn điều kiện vật chất điểm giao dịch xã còn chưa phát triển. Thậm chí ở nhiều nơi, người dân còn chưa thực sự tin tưởng vào nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, e dè khi đăng ký vay vốn.
Giám đốc NHCSXH huyện Ý Yên Nguyễn Anh Chung cho biết: “Thời gian đầu, tôi không khỏi bỡ ngỡ và cũng gặp phải không ít những khó khăn do cán bộ ít, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thiết bị hầu như không có. Nhưng với phương châm “làm hết việc, không làm hết ngày”, tôi cùng anh em cán bộ Phòng giao dịch luôn bảo nhau tận tuỵ trong công việc, chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách. Có thời điểm giải ngân vốn ưu đãi đúng ngày bão về, mất điện, máy móc cũ kỹ nên anh chị em trong đơn vị phải làm việc đến tận 12 giờ đêm để hoàn thiện hồ sơ, kịp thời giải ngân cho bà con vào ngày hôm sau”.
Có thể khẳng định, qua 2 thập kỷ hình thành và phát triển, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đã làm tốt sứ mệnh là “Ngân hàng vì người nghèo” đúng tinh thần “Thấu hiểu lòng dân -  Tận tâm phục vụ”, xây dựng được hình ảnh “áo hồng” rất đỗi quen thuộc, thân thương của người cán bộ NHCSXH thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, chung tay góp sức cùng với người nghèo và đối tượng chính sách trên hành trình vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng số phận, làm chủ cuộc sống cũng như trở thành chủ thể chính của nông thôn mới ngày càng giàu đẹp hôm nay. Tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình ước đạt hơn 3.741 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,5% với 97.407 hộ còn dư nợ. Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có hơn 770 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 87 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 59 nghìn lao động, 114 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 915 em được vay vốn để mua trang thiết bị học trực tuyến; xây dựng 489 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây mới, sửa chữa 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 13,44% (2005) xuống 3,77% (2015) và xuống 0,86% năm 2020.
Những ngày Tết Quý Mão cận kề, trong buổi giao dịch cuối cùng của năm 2022, câu chuyện với cán bộ NHCSXH vẫn là những kế hoạch giải ngân, bố trí vốn trong năm tới để người dân nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp tục duy trì những sinh kế đảm bảo cuộc sống; để mùa Xuân no ấm, đầy ắp nghĩa tình đến với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên khắp mọi miền quê. Hành trình đem lại những mùa xuân ấm áp vẫn tiếp nối, trở thành người bạn đồng hành thiết thực trên hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần tô thêm sắc xuân, đem lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đức Toàn

Các tin bài khác