“Nơi nào khó, có tín dụng Quyên”!

26/05/2015
(VBSP News) Đó là lời của Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) về nữ cán bộ tín dụng xuất sắc Nguyễn Thị Quyên. Là cán bộ tín dụng nữ duy nhất và là người lớn tuổi nhất trong đơn vị, chị Quyên đã trở thành tấm gương của sự kiên trì, khéo léo và đầy trách nhiệm trong quá trình quản lý, cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi. Được cắm chốt ở những địa bàn khó, chị luôn vững vàng vượt thử thách với niềm tin: “Nơi nào khó, có tín dụng Quyên”!
Nguyễn Thị Quyên thường xuyên đi cơ sở

Nguyễn Thị Quyên thường xuyên đi cơ sở

Say mê với nghề

Quê ở Thái Nguyên, theo chồng về Hà Tĩnh, chị Quyên mang cả sự nhẹ nhàng, tinh tế của con gái đất Bắc về tưới tắm những vùng quê chân chất, mộc mạc miền Trung. Có lẽ đây chính là điểm lợi thế đặc biệt giúp chị thành công khi được điều chuyển từ cán bộ kế toán sang làm cán bộ tín dụng. Gần 5 năm bám sát các địa bàn thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, càng làm chị Quyên say mê với nghề và trưởng thành nhanh với nhiệm vụ của cán bộ tín dụng. “Năm 2010 tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ tín dụng, phụ trách các xã Cẩm Yên, Cẩm Thăng, Cẩm Vịnh, Cẩm Bình, Cẩm Mỹ. Thời điểm đó, nhiều xã nợ quá hạn còn cao, ý thức người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ trả nợ rất kém, trong khi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc. Tôi bắt đầu hành trình thử thách bằng việc tập trung nghiên cứu, học tập nghiệp vụ về công tác tín dụng, cập nhật những văn bản hướng dẫn của NHCSXH về các chương trình tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, cố gắng tranh thủ tình cảm, sự quan tâm của các tổ chức hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền cơ sở để xây dựng mối quan hệ phối hợp bền chặt”.

Để thu hút được sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị đối với việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, theo chị Quyên, điều quan trọng là làm cho mọi người nhận thức sâu sắc về tác động của chính sách nhân văn này đối với nhiệm vụ giảm nghèo ở địa phương. Chị cùng với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền để đưa thông tin về các chương trình cho vay tận mỗi thành viên; thực hiện nhanh, chính xác quy trình bình xét, xác nhận đối tượng và hỗ trợ người vay hoàn thành các thủ tục để sớm giải ngân nguồn vốn. Trong suốt quá trình đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, chị Quyên thường xuyên phân tích với họ giá trị của nguồn vốn ưu đãi và trách nhiệm của người vay đối với việc bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn. Nỗ lực của chị Quyên đã góp phần giúp các địa phương tranh thủ tối đa nguồn vốn được phân bổ, thực hiện quay vòng nhanh nguồn vốn, mang lại cơ hội cho nhiều người vay, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết: “Khi chị Quyên về với xã nghèo chúng tôi, Cẩm Hà còn tồn tại số nợ quá hạn lớn trong khi dư nợ vay lại thấp. Cắm chốt thường xuyên ở địa bàn, sôi nổi, lăn lộn với công việc, chị đã thắp ngọn lửa nhiệt tình cho hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, Cẩm Hà đã không còn nợ quá hạn và đa số hộ vay vốn đều phát huy hiệu quả”.

Chữ Tâm đặt lên trên hết

Thường xuyên phụ trách, quản lý nguồn vốn ở 5 xã với dư nợ hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn hộ vay vốn, chị Quyên cho rằng, mặc dù quy trình xét cho vay và quản lý vốn đã được xây dựng rất chặt chẽ, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn của những hộ vay đặc biệt khó khăn thì lại đòi hỏi cần có sự linh động. Bởi vậy, khi thực hiện cho vay hay khi tìm biện pháp xử lý nợ đến hạn, quá hạn, chị Quyên đều tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hôi, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tìm mọi biện pháp xử lý một cách khéo léo và hợp lý với quan điểm: Chữ Tâm phải đặt lên trên hết.

Hành trình nhiều say mê và tâm huyết của chị đã ghi lại nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người. Đó là câu chuyện về hộ bà Trương Thị Lý ở xã Cẩm Hà mang nợ quá hạn tồn đọng từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo trước đây. Khi bắt tay gỡ món nợ khó đòi này, chị Quyên đã phải tính đến việc tìm một lối đi cho gia đình nông dân nghèo lại có một đứa con mang bệnh kinh niên này. Tiếp cận gia đình trước hết bằng sự động viên, thăm hỏi và sau khi tạo được sự tin tưởng chị mới bắt đầu tuyên truyền gia đình phải có trách nhiệm với món nợ cũ để tìm cơ hội vay vốn thoát nghèo mới. Nghe theo lời khuyên có tình, có lý của chị, gia đình ông đã trả hết món nợ quá hạn và được bình xét cho vay vốn phát triển chăn nuôi. Mấy năm trong vai khách hàng mới, chưa bao giờ bà Lý chậm trả tiền lãi, tiền nợ ngân hàng. Đó còn là gia cảnh của một hộ vay quá hạn - ông Phan Văn Sơn ở xã Cẩm Thăng, tính nóng như lửa lại thường xuyên rượu chè khiến cho cán bộ xã cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn phải chịu thua. Chị Quyên đã phải chọn cách thường xuyên thăm hỏi, động viên, cùng chia sẻ cùng gia đình, sau những cuộc tâm tình, chia sẻ với gia đình, ông đã cố gắng tích cóp trả hết nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, nhiều lần nữ cán bộ tín dụng giàu lòng thương người này đã bỏ tiền túi mua sách vở, áo quần cho mấy đứa trẻ và chị đang đề xuất đơn vị phát động cán bộ chung tay đóng góp để mua con bò giống, mở đường làm ăn cho gia đình.

“Cách làm khéo léo nhưng không kém phần quyết liệt của chị Quyên đã góp phần rất lớn cho việc xử lý các món nợ quá hạn của NHCSXH trên địa bàn. Điều quan trọng là nhân cách, tấm lòng của cán bộ tín dụng ngân hàng như chị đã tạo niềm tin trong lòng dân nghèo, đồng thời qua đó kéo theo sự vào cuộc của những người có trách nhiệm đối với nguồn vốn ưu đãi, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững”, lãnh đạo NHCSXH huyện Cẩm Xuyên khẳng định.

Bài và ảnh Mai Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác