Chị Chích chăm việc thôn, đảm việc nhà
Sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo khó ở thôn Yên Thượng, học hết lớp 7 trường huyện, chị Chích phải tạm gác giấc mơ bảng đen giấy trắng. In đậm trong tâm trí cô học trò khi ấy là quãng đường dài nắng bụi từ thôn ra huyện suốt những buổi cắp sách đến trường và tháng ngày gian nan dầm mưa dãi nắng lên nương bẻ bắp. Ở cái tuổi 18 xuân xanh còn hồn nhiên mơ mộng, chị đã vội làm dâu nhà người, kết lương duyên với anh nông dân Hoàng Văn Mầng và tập làm tròn bổn phận vợ hiền, dâu thảo; chăm lo chu toàn cho gia đình mới. Phận liễu yếu đào tơ những tưởng chỉ ổn yên những chuyện bếp núc con cái, nhưng chị Chích lại là trường hợp cá biệt đáng để biểu dương khi rất giỏi làm kinh tế.
Năm 1997, nhận được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để mua máy xay xát, vừa để gia đình sử dụng, lại vừa giúp đỡ cho bà con quanh thôn. Mỗi năm, hai vợ chồng siêng năng, chịu khó làm lụng, gieo trồng khoảng 20kg lúa giống, nấu rượu, lại thêm 2 - 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa gần 20 con. Xuất chuồng lứa nào, chị lại nuôi gối lứa khác. Cùng với việc chăn nuôi lợn thịt, trong chuồng trại nhà chị còn nuôi 2 con lợn nái đẻ, mỗi lứa chúng “sản xuất” được vài chục con, số lợn con này được chăm sóc cẩn thận đến khi lớn sẽ có chế độ chăm sóc theo tiêu chuẩn của lợn thịt. Chăm chỉ, siêng năng, chị Chích còn đào ao nuôi cá rộng đến 80m², thả đủ các loại cá như: cá chép, trắm, bỗng và cá trê,… và nuôi thêm đàn vịt hơn 50 con, vừa cho thịt, vừa để lấy trứng. Trời không phụ công người, sự cố gắng thoát nghèo của vợ chồng chị Chích đã được đền đáp khi cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá, đủ đầy hơn. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập được gần 100 triệu đồng. Hai người con giờ cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng, ổn định.
Không chỉ đảm việc nhà, chị Chích còn được đánh giá là “giỏi việc nước”. Tham gia công tác Hội Phụ nữ xã từ năm 1992, chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế với chị em trong Hội. Chị cho biết: “Đều là người cùng xã, có gì khó khăn thì đỡ đần nhau, giúp được điều gì thì tôi cũng cố hết sức mình. Cũng đi lên từ khó khăn, lam lũ, nên tôi rất cảm thông với những chị em còn đang vật lộn tìm hướng thoát nghèo”.
Vừa tuyên truyền, vận động bằng lời nói, chị vừa đóng góp bằng việc làm thiết thực, chị nhớ lại: “Năm đó là năm thứ 5 tôi tham gia Hội Phụ nữ, trong mấy chị em hoàn cảnh khó khăn thì có nhà chị Hoàng Thị Việt rất éo le, hai vợ chồng nghèo khó chăm lo cho người mẹ già yếu, mù lòa, lại thêm người anh trai câm với 2 đứa con nhỏ, làm quần quật mà chẳng đủ no, chưa nói gì đến đồng ra đồng vào dư dả để mai này lo cho con ăn học. Tôi thương tình nên bàn với chồng giúp nhà chị ấy lứa lợn giống cũng được gần chục con. Cũng mới đây thôi, tôi vừa cho chị Việt mượn con lợn nái lấy giống, đồng thời tặng chị luôn lứa lợn con đó. Giờ gia đình ấy tuy vẫn còn nhiều vất vả nhưng cũng đỡ cực hơn xưa nhiều lắm”.
Hiện, chị Chích đang là Tổ Trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Yên Thượng. Chị đã chủ động tuyên truyền, vận động giúp nhiều chị em phụ nữ trong thôn, trong xã nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của tín dụng ưu đãi, từ đó nhiều người mạnh dạn vay vốn để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao; luôn ủng hộ nhiệt tình, đi đầu thực hiện những phong trào, hoạt động do Hội Phụ nữ xã Yên Thành phát động như các hoạt động xây dựng nông thôn mới, phong trào “kho thóc tình thương”, chia sẻ giúp đỡ những gia đình nghèo khó.
Khi được hỏi động lực nào khiến chị vừa lo toan chu đáo được việc nhà, vừa nhiệt tình được việc của cộng đồng như vậy, người phụ nữ ấy khẳng khái chia sẻ: “Làm công việc gì, tôi cũng được gia đình và bà con ủng hộ, bởi vậy làm được một mình lại càng cố gắng làm thêm hai, thêm ba. Hưởng ứng phong trào trồng rừng, gia đình tôi cũng đang trồng 12ha cây keo, cây quế. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm cây bồ đề nữa. Một công đôi việc, mình vừa có thêm thu nhập, lại vừa đi đúng chỉ đạo của Hội, cớ gì lại không làm”.
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người cán bộ tín dụng vùng cao hết lòng vì dân nghèo
- » Đổi đời nhờ vốn chính sách
- » “Mát tay” dẫn vốn tới hộ nghèo
- » Hội Nông dân huyện Yên Thành điển hình tiên tiến thực hiện uỷ thác vay vốn
- » Niềm vui từ công tác tín dụng ưu đãi
- » Những người Tổ trưởng tâm huyết với công tác giảm nghèo
- » Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn thị xã Bình Minh
- » Tuổi trẻ NHCSXH làm theo lời Bác
- » Tạo động lực giúp người nghèo trên quê Bác vượt khó
- » “Việc nào có lợi cho hội viên thì Hội Nông dân “xắn tay” vào để làm”