Đổi đời nhờ vốn chính sách

25/05/2015
(VBSP News) Cách đây 10 năm, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) rất khó khăn, luôn trong cảnh “ăn bữa sáng lo bữa tối”. Từ khi được cán bộ Hội Nông dân xã giới thiệu về chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH, anh đã đăng ký tham gia sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, được bình xét vay vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình anh Quang bước sang trang mới...
Anh Nguyễn Văn Quang đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Anh Nguyễn Văn Quang đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Trước năm 2006, gia đình anh Quang thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh làm việc chăm chỉ nhưng cũng chỉ có thể đắp đổi qua ngày vì thiếu vốn và không có đất sản xuất. Nhiều đêm trăn trở nghĩ cách thay đổi hoàn cảnh khó khăn hiện tại, anh quyết định mượn bạn bè, người thân một khoản tiền để đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, do thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi còn hạn chế nên anh nuôi không thành công. Anh Quang cho biết: Trong một lần xem ti vi, tôi thấy phát chương trình dạy kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản nên muốn nuôi trở lại. Tuy nhiên, khi đó, gia đình lại không còn tiền để đầu tư. Rất may, lúc này, nhờ Hội Nông dân xã giới thiệu, hướng dẫn, tôi làm hồ sơ vay 15 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ NHCSXH. Có tiền, tôi sử dụng hơn 10 triệu đồng mua 2 con bò, số còn lại, vợ chồng tôi để làm vốn thu mua nhôm nhựa, nông sản lấy công làm lời. Theo anh Quang, rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này, tôi không tự nuôi theo ý mình như lâu nay mà cất công đi học hỏi từ những người nuôi thành công. Không những thế, anh Quang còn tham gia các lớp tập huấn để biết cách nuôi bò hiệu quả, tiêm phòng đầy đủ để ngừa bệnh cho bò. Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm nuôi, từ 2 con, đàn bò của gia đình anh đã phát triển thành 8 con. Lúc này, anh Quang đem bán 2 con, trả hết nợ gốc cho ngân hàng, 6 con còn lại thì tiếp tục chăn nuôi, làm vốn.

Năm 2009, gia đình anh Quang thoát khỏi diện nghèo. Thấy được tác dụng của đồng vốn chính sách, năm 2012, anh Quang tiếp tục vay 30 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, mua 5ha đất trồng mía, sắn. Làm ăn có lãi, anh không những hoàn vốn cho ngân hàng mà còn đầu tư mua thêm 20ha đất để trồng mía, sắn và sắm các thiết bị phục vụ sản xuất như phân bón, cây, con giống, xe công nông vận chuyển, sửa sang nhà cửa, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt gia đình… Đầu năm nay, nguồn vốn đến hạn, anh Quang trả đủ cả gốc lẫn lãi. Hiện mỗi năm, gia đình anh Quang thu nhập tới cả trăm triệu đồng từ việc sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, cuộc sống đã khấm khá hơn, không còn khó khăn, chật vật như trước. Nói về “bí quyết” vượt khó làm giàu của mình, anh Quang khiêm tốn chia sẻ: “Gia đình tôi đi lên từ đồng vốn nhỏ nên làm việc gì cũng phải tính toán cẩn thận; nếu không sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi này, không những chúng tôi phải mắc nợ mà nguồn vốn của Nhà nước cũng không được bảo toàn. Tôi mong muốn thời gian tới, ngân hàng tiếp tục nâng mức vay chương trình sản xuất kinh, doanh vùng khó khăn để chúng tôi có thêm vốn làm ăn, thoát nghèo bền vững”.

Theo ông Trần Văn Sáu - Chi hội trưởng nông dân thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình anh Quang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Không những thế, anh còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những hộ khó khăn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bà con trong thôn, trong xã, hễ ai khó khăn thì anh cho mượn mía giống, tiền mua phân bón… Đến mùa, người dân sẽ tính lại, hoặc ưu tiên để anh thu mua, chở bán cho nhà máy. “Những năm gần đây, anh Quang được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, được UBND huyện Đồng Xuân tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo trên địa bàn huyện. Anh Quang là một nông dân gương mẫu đáng để mọi người noi theo, học tập”, ông Sáu nói.

Bài và ảnh Lê Hảo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác