Bà con nghèo vùng cao rất quý trọng đồng vốn chính sách

14/05/2015
(VBSP News) Chúng tôi vừa có dịp cùng Đoàn công tác của NHCSXH huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đến Điểm giao dịch xã Tủa Sín Chải để giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho bà con dân nghèo. Qua trò chuyện với Lãnh đạo xã về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, được biết, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà Tủa Sín Chải đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi lợn của ông Giàng A Măng ở bản Ha Chá

Mô hình chăn nuôi lợn của ông Giàng A Măng ở bản Ha Chá

Xã Tủa Sín Chải có 769 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 39%, 10/13 bản chưa có điện lưới quốc gia, giao thông khó khăn, chủ yếu là đường dân sinh. Điều đó không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà hoạt động của cán bộ ngân hàng cũng gian nan không kém. Trèo đèo, lội suối tìm đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo là việc làm thường xuyên của cán bộ NHCSXH.

Theo thống kê của NHCSXH huyện Sìn Hồ, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, đến cuối năm 2014, xã Tủa Sín Chải có 253 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi chiếm 33% số hộ trong xã, với tổng số tiền 3.932 triệu đồng từ các nguồn vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH.

Từ nguồn vốn này, các hộ phát triển chăn nuôi, mua sắm công cụ phục vụ sản xuất và chăn nuôi, xây dựng nhà ở, đầu tư cho con em theo học các trường chuyên nghiệp. Qua kiểm tra, giám sát, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống, xoá được nghèo. Năm 2014, toàn xã có 58 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,91% (2013) xuống còn 39,75% (2014).

Công tác giải ngân, rà soát đối tượng vay vốn đảm bảo đúng tiêu chí. Bên cạnh đó, cán bộ NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các cơ quan nông nghiệp, khuyến nông, khuyến ngư tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo phương thức mới nhằm mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Qua lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải, Phan Văn Hùng chúng tôi tìm đến nhà ông Giàng A Măng, dân tộc Mông ở bản Ha Chá - là hộ điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Măng tâm sự: “Gia đình tôi có 9 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính. Trước đây, gia đình không có trâu nên phải lấy sức người làm nông nghiệp, cơm thường xuyên phải độn ngô, sắn. Năm 2006, gia đình tôi mạnh dạn vay 5 triệu đồng mua trâu phục vụ sản xuất. Nhờ đó, mùa vụ sản xuất thuận lợi, gia đình có nhiều thời gian chăm sóc ruộng nương, cây lúa cây ngô cũng cho năng suất cao hơn, lương thực đủ ăn quanh năm. Sau khi trả hết nợ, tôi tiếp tục vay ưu đãi 25 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản. Do chú trọng chăm sóc, phòng bệnh, đàn bò phát triển tốt, tích góp hàng năm từ bán bò, lợn, thóc, ngô, gia đình tôi đã mua được xe máy, các loại máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa và máy thái thức ăn cho gia súc…”.  Được biết, gia đình ông Măng là hộ đầu tiên trong bản mua máy cày trị giá 14,5 triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp đồng bào vùng cao thêm lực để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhờ vốn vay này mà gia đình tôi và nhiều bà con trong bản có vốn phát triển kinh tế, đầu tư cho con ăn học. Hiện, gia đình tôi còn vay 10 triệu đồng theo chương trình tín dụng HSSV để trang trải cho con đang theo học chuyên nghiệp tại tỉnh Hải Dương”, ông Măng chia sẻ.

Cùng với nghị lực vươn lên của đồng bào, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã, đang và sẽ là động lực, điểm tựa vững chắc cho người dân thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Lê Hùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác