Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
Đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Dung, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là tiện nghi trong gia đình được chị trang bị khá đầy đủ. Khi biết chúng tôi hỏi về mô hình kinh tế của gia đình, chị mỉm cười khiêm tốn: “Gia đình tôi thì đáng kể gì chú ơi”. Sau những lời trò chuyện, chị đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh chuồng trại của gia đình, nụ cười luôn nở trên khuôn mặt thanh tao của chị. Nhưng để được như ngày hôm nay, chị và gia đình đã trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả. Là người dân bản địa, lớn lên xây dựng gia đình, không may, sau một căn bệnh hiểm nghèo, chồng chị mắc bệnh về não. Người trụ cột trong gia đình đã mất khả năng lao động, lúc này mọi công việc đều đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ. Bản thân cả hai vợ chồng đều xuất thân từ nghề nông, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiền cho con cái ăn học, tất cả đều nhờ vào mấy con lợn, bó rau.
Lúc đầu, chị chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tới chục con lợn nên đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy khó khăn, vất vả là thế, nhưng vốn là người phụ nữ đảm đang, cần cù, chịu khó, không đầu hàng trước thử thách. Chị tích lũy vốn, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi từ bà con lối xóm, đàn lợn cứ tăng đều qua mỗi năm.
Đặc biệt, năm 2012, chị vay 29 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, chị có điều kiện mở rộng quy mô trang trại đa canh, mạnh dạn đầu tư xây thêm chuồng trại, nuôi thêm nhiều lợn thịt, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, hệ thống chuồng trại của gia đình anh chị đã được mở rộng thêm 6 ô chuồng, mỗi ô có diện tích đủ để nuôi 9 con lợn thịt. Tổng số đàn lợn lên tới 60 con, tất cả đều chuẩn bị xuất chuồng. Chị cho biết, mỗi ngày chị đều vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo nguồn thức ăn vì thế mà đàn lợn của gia đình chị nhanh lớn, năng suất tăng. Mỗi năm chị xuất 6 lứa lợn thịt, mỗi lứa hơn 1 tấn thịt, trung bình 1 tạ/con. Nếu tính theo giá thị trường 45 nghìn/kg thì mỗi năm trừ chi phí cho lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó với diện tích cấy khoán gần 3 mẫu ruộng, chị tích cực luân canh, gối vụ. Ngày nào cũng vậy, cứ sau khi cho lợn ăn xong, chị lại tranh thủ ra đồng để chăm sóc, bảo vệ lúa, để có năng suất cao sau vụ thu hoạch để trang trải cuộc sống. Trong thời gian tới chị sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng tổng số đàn lợn thịt lên tới 100 con. Để chăn nuôi hiệu quả mà vẫn đảm bảo được môi trường, gia đình chị đã xây dựng hệ thống thoát nước cho chuồng trại, xây bể bioga dung tích 21m3 chi phí trên 15 triệu đồng nhằm tận dụng chất thải làm khí đốt.
Giờ đây gia đình chị Dung có một cuộc sống tốt hơn - đó là thành quả của cả gia đình, trong đó có quá trình nỗ lực vượt lên số phận, dám nghĩ dám làm của chị Nguyễn Thị Dung. Chị xứng đáng là một trong những tấm gương điển hình về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, được bà con nhân dân trong xã tin yêu, quý trọng và noi gương trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo từ hai bàn tay trắng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh Hải Yến
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH tỉnh Bình Phước có 3 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào Thi đua yêu nước
- » Người cán bộ có nhiều sáng tạo và đam mê nghề nghiệp
- » Người “kết nối” cho dòng chảy tín dụng ưu đãi
- » Làm giàu từ vốn ưu đãi như Giàng A Chang
- » Hội nghị điển hình tiên tiến NHCSXH tỉnh Tuyên Quang
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 NHCSXH TP. Cần Thơ
- » Đồng hành cùng người nghèo nơi rẻo cao
- » “Tận tâm với việc uỷ thác vay vốn chính sách nơi đảo xa”
- » “Cầu nối” dẫn vốn đến tay nông dân nghèo
- » “Cầu nối giúp nông dân làm giàu”