“Cầu nối giúp nông dân làm giàu”
Năm 2013, thông qua Hội Nông dân, gia đình anh Kơ Sã K’Viên được vay vốn 30 triệu đồng từ NHCSXH để trồng cà phê. Cũng trong năm 2014, gia đình anh K’Viênđược vay 12 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT để xây dựng hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn. Anh cho biết, số tiền 30 triệu đồng anh dùng để mua phân bón cho 2ha cà phê, nhưng vẫn thiếu “chút chút”; còn vốn vay làm công trình nước sạch và công trình vệ sinh, gia đình bỏ thêm gần 20 triệu đồng nữa để thực hiện. Với mức lãi suất ưu đãi của 2 chương trình, mỗi tháng, gia đình chỉ trả lãi chỉ 291 nghìn đồng, nhưng “cái được” thì rất nhiều… Cũng như hộ K’Viên, 59 hộ hội viên trong Tổ
tiết kiệm và vay vốn do anh Cao Xuân Lập làm Tổ trưởng đều có khoản vay trồng và chăm sóc cà phê, tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng, với đặc điểm nổi bật là chưa bao giờ để nợ quá hạn và không nợ đọng lãi, bên cạnh đó, 100% hội viên còn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm đều đặn, có số dư tiết kiệm đạt 31 triệu đồng.
Anh Lập cho biết: Khi nhận ủy thác cho vay, tổ đều họp bình xét hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sáchdưới sự chứng kiến của Hội Nông dân và đại diện thôn. Người vay cam kết sử dụng đúng mục đích, trả lãi đúng hạn. Rồi cứ thế, vào ngày 16 hàng tháng, ngân hàng đưa biên lai về tổ, tổ đi từng hộ thu, nhắc nhở hội viên cất giữ phiếu để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu… Anh Lập làm Tổ trưởng đã được gần 10 năm. Năm nào anh cũng được khen thưởng. Đến nay, “bộ sưu tập” bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác ủy thác vốn vay của NHCSXH đã có đủ từ cấp hội, huyện, tỉnh đến TW. Mỗi năm, anh cũng tổ chức tổng kết hoạt động của tổ một lần. Hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn của anh đã đi vào nền nếp… Cũng như tổ anh Lập, 6 tổ khác do Hội Nông dân xã Lát đang quản lý đều vay vốn trồng cà phê, vốn vay được vốn, bà con dùng để mua giống, cuốc hố, xử lý thực bì, mua phân bón, trả tiền công chăm sóc cà phê (làm cỏ, bẻ chồi…).
“Các hộ vay vốn khi nhận tiền về, tổ phải theo dõi trong vòng 30 ngày, kiểm tra xem họ sử dụng vốn có đúng mục đích không, nếu không sẽ thu hồi lại. Với loại vốn cho vay ủy thác qua các tổ chức hội chỉ là tín chấp này, khó quản lý nhất là đối với các hộ mới đến; còn lại các hộ hầu như là bà con làng xóm với nhau, nên nếu nhà ai sử dụng đồng vốn không đúng mục đích là biết liền…”, anh Lập giải thích thêm.
Hơn nữa, hoạt động tiết kiệm của tổ cũng được bà con nông dân hưởng ứng, có 293/300 hộ gửi tiết kiệm, đạt số dư 142 triệu đồng, với 4/7 tổ có 100% hộ hội viên tham gia gửi tiết kiệm, là tổ của Trần Đức Minh Huân, Trần Quốc Tuấn, Kơ Xã K’Tân và Cao Xuân Lập; 3 tổ còn lại là những tổ có số lượng hội viên rất đông (trên 50 người/tổ), đều có tỷ lệ tham gia tiết kiệm đạt trên 95%… Các Tổ trưởng khẳng định: đi thu lãi hàng tháng tốt hơn thu lãi hàng quý; vì số lãi nhỏ, người vay dễ đóng; người đi thu lãi dễ thu, dễ theo dõi. Hàng tháng, Tổ trưởng đi thu lãi cũng để nắm tình hình, nếu ai sử dụng sai mục đích thì có biện pháp giải quyết ngay. Thực tế cho thấy, các hộ hội viên đều có tinh thần tự giác tốt, nên hoạt động ủy thác của Hội Nông dân xã Lát rất hiệu quả, không có nợ lãi. Bà con đều mong được tăng thêm vốn vay để có điều kiện chăm sóc mùa màng tốt hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã LátNguyễn Văn Lâm, cho biết: Từ trước đến nay không có Tổ tiết kiệm và vay vốn nào có nợ quá hạn. Từ khi hoạt động đến nay, Hội Nông dân xã Lát chưa để nợ xâm tiêu, không có đơn thư về lĩnh vực vay nợ. Người dân xã Lát có 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn canh tác theo kiểu cũ là dựa vào “sức trời”. Tuy nhiên, gần đây họ đã biết học theo người Kinh tưới cây vào mùa khô hạn để hoa nở đều, đẹp, cho năng suất hạt cà phê chất lượng hơn. Vốn vay của NHCSXH chính là nguồn hỗ trợ hiệu quả nhất, giúp bà con ổn định sản xuất, nâng cao sản lượng…
Anh Trần Đình Giáp,cán bộ NHCSXH huyện Lạc Dương, nhận xét: Vai trò của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn rất quan trọng. Khi Tổ trưởng làm tốt, hoạt động của tổ đi vào nền nếp thì tổ viên làm theo. Làm tốt ở đây không chỉ là đi phát biên lai, xét vay vốn cho hộ này hộ kia, mà phải rõ ràng, minh bạch. Các hộ mỗi tháng chỉ gửi tiết kiệm 10 - 20 nghìn đồng, nhưng nếu Tổ trưởng để nhầm lẫn, hay cố tình mập mờ, lạm dụng… là người ta không tin tưởng nữa…
Giám đốc NHCSXH huyện Lạc Dương Nguyễn Trung Trực, cho biết: Cả huyện Lạc Dương có 6 xã, thị trấn nhận cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể. Nhưng, riêng địa bàn xã Lát không có nợ quá hạn. Hội Nông dân xã Lát hoạt động ủy thác vốn vay của NHCSXH nhiều năm rất tốt, cán bộ nhiệt tình. Các hộ dân ở xã Lát cũng được vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…
Bài và ảnh Lê Hoa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thi đua để giúp dân làm giàu
- » Nữ Giám đốc “hai giỏi”
- » Người mang niềm vui đến với người nghèo
- » Người cán bộ tâm huyết với công tác tín dụng chính sách
- » Hết lòng vì người nghèo
- » Thi đua thực hiện tốt uỷ thác vay vốn chính sách
- » Hết mình vì công việc
- » NHCSXH tỉnh Quảng Nam tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015
- » “Nữ thủ lĩnh vững vàng của mạng lưới tín dụng ưu đãi ở cơ sở”
- » “Không có việc gì khó...”