Người mang niềm vui đến với người nghèo

07/05/2015
(VBSP News) Trong suốt 7 qua năm gắn bó với công việc, chị Lê Thị Phận, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Tây Hòa (Phú Yên) luôn tận tâm với người nghèo, với những hộ vay ở miền đất lúa chân chất. Chị Phận chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy hộ vay làm ăn hiệu quả, từng bước thoát nghèo, cải thiện được đời sống”.
Chị Lê Thị Phận hướng dẫn tận tình khách hàng làm thủ tục vay vốn

Chị Lê Thị Phận hướng dẫn tận tình khách hàng làm thủ tục vay vốn

Củng cố chất lượng tín dụng

Lê Thị Phận phụ trách tín dụng ở địa bàn 3 xã Hòa Đồng, Hòa Phú và Hòa Mỹ Đông thuộc huyện Tây Hòa với tổng dư nợ trên 55 tỷ đồng. Trước năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn của các xã này luôn ở trên 1%.

Chị Phận cho biết: Cách đây 3 năm, thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, NHCSXH huyện đã cùng chính quyền địa phương và các tổ chức  hội, đoàn thể xã xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó có những giải pháp như thông báo nợ đến hạn trước 3 tháng; phối hợp với các hội, đoàn thể phân tích, đánh giá khả năng trả nợ hộ vay để chủ động trong việc thu hồi nợ, xử lý nợ đến hạn kịp thời không để nợ quá hạn phát sinh. Ngân hàng cũng chú trọng thu hồi nợ phân kỳ, thu lãi hàng tháng. Cán bộ tín dụng cũng tham mưu cấp ủy cơ sở tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương; đồng thời rà soát những khoản nợ không có khả năng thu hồi đề nghị xử lý kịp thời…

Theo chị Phận, trước kia, khi tình hình kinh tế khó khăn, giá cả thị trường có nhiều biến động, thu nhập lại bấp bênh nên hộ vay trên địa bàn thường được ưu ái trong việc gia hạn nợ. Việc thu lãi, thu nợ định kỳ cũng kéo dài khiến hộ vay nảy sinh tâm lý chây ỳ, hoặc để tồn đọng lâu ngày dẫn đến số tiền lớn, hộ vay không có khả năng trả. Từ khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, việc khó khăn nhất là thay đổi thói quen của hộ vay. Do đó, cán bộ tín dụng phải tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở tích cực tuyên truyền cho hộ vay về ý thức trả nợ “có vay, có trả”, tự giác trả lãi hàng tháng, trả nợ phân kỳ theo sự thỏa thuận; đồng thời nâng cao ý thức tiết kiệm của hộ vay để giảm áp lực khi nợ đến hạn. Nhờ vậy đến nay, tỷ lệ thu nợ, thu lãi tồn trên địa bàn các xã do chị Phận quản lý đạt đến 95 - 96%. Nợ quá hạn cũng chiếm tỷ lệ thấp so với tổng dư nợ, lần lượt là xã Hòa Đồng 0,27%, xã Hòa Phú 0,36% và xã Hòa Mỹ Đông 0,39%.

Chị Lê Thị Phận (bên phải) thường xuyên xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con vay vốn

Chị Lê Thị Phận (bên phải) thường xuyên xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con vay vốn

Niềm vui khi vốn vay phát huy hiệu quả

“Lê Thị Phận là cán bộ tín dụng mẫn cán, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền được các cấp tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn”, lãnh đạo NHCSXH tỉnh Phú Yên cho hay.

Công tác tại NHCSXH huyện Tây Hòa từ năm 2008, đến nay, chị Phận đã trải qua bao buồn vui trong công việc. Chị kể: “Những ngày đầu về NHCSXH làm cán bộ tín dụng, tôi thường xuyên đi địa bàn nắm bắt tình hình hộ vay vốn. Thời điểm đó, huyện Tây Hòa mới chia tách không lâu nên đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông cũng hạn chế. Các xã do tôi phụ trách lại thuộc vùng trũng, gần khu vực sông nên mỗi lần đến nhà hộ vay tuyên truyền là một lần vất vả. Có lần đi cơ sở vào mùa mưa, đường vào nhà hộ vay lầy lội, nhão nhoét, tôi cùng cán bộ tổ phải bỏ xe ngoài đường, lội bộ đến tận nhà hộ vay. Giờ đây, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể. Đường bê tông sạch đẹp chạy thẳng đến tận ngõ. Nhiều đoạn đường được lắp đèn theo chương trình “Thắp sáng đường quê”. Cán bộ tín dụng đi cơ sở không còn chịu cảnh vất vả như trước”.

Là người đồng hành cùng chị Phận trong việc chuyển tải vốn chính sách đến từng hộ vay, chị Trần Thị Thúy Oanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Đồng, chia sẻ: Nhà nước đầu tư hạ tầng còn vốn chính sách thì hỗ trợ thiết thực giúp đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, một phần nhờ sự tận tâm của những cán bộ tín dụng như chị Phận. Có sự hỗ trợ của chị Phận, cán bộ phụ nữ đỡ vất vả hơn nhiều. Không chỉ phối hợp tập huấn nghiệp vụ, sâu sát trong việc kiểm tra hộ vay, chị Phận còn rất nhiệt tình và có nhiều sáng kiến giúp việc chuyển tải vốn đến hộ vay một cách thuận lợi, phát huy hiệu quả cao.

Cùng chị Phận đến kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay Lê Thị Hiền ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của đồng vốn chính sách trong việc giúp người dân nông thôn cải thiện đời sống. Bà Hiền cho biết: Cách đây mấy năm, gia đình tôi còn sống trong căn nhà lụp xụp, nắng nóng mưa dột. Nhà đông con, làm nông nghiệp nên chúng tôi cũng chỉ biết bám ruộng, bám vườn. Từ ngày được vay vốn ưu đãi, tôi mua bò về nuôi. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, tôi còn tranh thủ cắt cỏ, cắt rau muống về cho bò ăn thêm. Nhờ vậy, sau hơn một năm nuôi, từ 1 con bò ban đầu, chúng tôi đã có 2 con. Bán bò trả nợ xong, chúng tôi được vay mới 15 triệu đồng. Tôi lại tiếp tục mua bò về nuôi vì đây là vật nuôi dễ chăm sóc, sinh lợi nhiều hơn các loại vật nuôi khác. Có vốn, cộng với việc chăm chỉ làm ăn, đến nay, chúng tôi đã sửa được nhà, con cái cũng học hành đến nơi đến chốn.

Nhìn hộ vay làm ăn hiệu quả, đời sống ngày càng được nâng lên, chị Phận càng vui hơn. Chị tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy hộ vay từng bước thoát nghèo, cải thiện được đời sống. Lúc đó, tôi càng ý thức sâu sắc hơn ý nghĩa của đồng vốn chính sách và tự nhủ bản thân mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của người dân đất lúa quê mình”. 

Bài và ảnh Lê Hảo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác