Đồng hành cùng người nghèo nơi rẻo cao
NHCSXH luôn là “người bạn” đồng hành cùng người nghèo, không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc giảm nghèo trên địa bàn mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong một đợt cùng cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Điện Biên Đông đi kiểm tra thực tế tình hình sử dụng vốn vay, tôi đã được chứng kiến một mô hình hiệu quả rất đáng phát huy. Đó là gia đình anh Lò Văn Một ở bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm - một trong những hộ nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Nhìn theo hướng tay anh Một chỉ, tôi cùng đoàn công tác chứng kiến một trại bò được quy hoạch quy củ, rộng chừng 2 - 3ha với khoảng trên 20 con bò sinh sản, đoàn chúng tôi thực sự thấy mừng cho gia đình anh.
Vốn cuộc sống vất vả, lam lũ từ bé, sau khi lập gia đình, ra ở riêng, cuộc sống gia đình anh Một thêm phần vất vả hơn. Chính vì cuộc sống khó khăn, vất vả đã khơi dậy trong anh Một khát vọng làm giàu. Thấy trên địa bàn có nhiều bãi chăn thả gia súc rộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, anh Lò Văn Một quyết định vay vốn, phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2006, từ 15 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Điện Biên Đông, anh Một mua 2 con bò giống. Sau 3 năm chăn nuôi, đàn bò đã phát triển thêm 2 con. Tâm sự với chúng tôi, anh Một cho biết: “Nuôi bò là một nghề rất mới tại bản Suối Lư. Ngoài những kiến thức và kỹ thuật chuyên sâu về nuôi bò sinh sản thì nguồn vốn để phát triển đàn bò là vấn đề khó khăn. Bởi vì, giá một con bò giống rất đắt. Song được sự quan tâm, tạo điều kiện của NHCSXH tỉnh, tôi không còn lo lắng về vốn để phát triển đàn bò. Năm 2009, sau khi trả hết số nợ cũ, tôi vay thêm 30 triệu đồng để nâng cấp cơ sở chăn nuôi”.
Trời đã không phụ công người, sau 7 năm nỗ lực tìm tòi, học hỏi kiến thức và chăm chỉ lao động, đến nay, trại bò giống của anh Lò Văn Một có 35 con, quá nửa số đó đang đến kỳ sinh sản, tổng giá trị đàn bò lên đến hàng trăm triệu đồng. Bây giờ, tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh Một khoảng 50 - 60 triệu đồng từ việc bán bò giống. Không chỉ là một nông dân thành đạt, anh Lò Văn Một còn là một người biết sẻ chia. Từ thành công của gia đình, anh đã tuyên truyền, vận động và giúp đỡ 3 hộ nghèo trong bản chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, mỗi hộ nuôi được 5 - 7 còn bò và cả 3 hộ đã thoát nghèo.
Tạm biệt gia đình anh Một, chúng tôi tìm đến một mô hình thoát nghèo bền vững khác cũng nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh. Đó là là triệu phú Lờ A Tằng, thôn Sính Sủ 2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Người dân thôn Sính Sủ 2 ai cũng khâm phục ý chí làm giàu và những thành quả của anh Tằng có được ở tuổi 30. Anh Tằng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống khó khăn, làm vất vả nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều lần tôi đã suy nghĩ và tự đặt cho mình những câu hỏi phải làm thế nào để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói. Sau một thời gian, tôi quyết định vay vốn NHCSXH đầu tư chuyển diện tích ruộng một vụ thành ao nuôi cá giống và cá thịt. Năm 2007, tôi được NHCSXH huyện Tủa Chùa tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Tôi thuê máy móc, cải tạo ruộng thành ao nuôi cá. Mới đầu vốn ít, tôi chỉ đào được 2 cái với tổng diện tích 4.000m2. Sau 2 năm cần mẫn lao động, lứa cá đầu tiên đã xuất bán ra thị trường. Năm đầu thiếu kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng không cao như dự kiến nhưng so với làm nương, làm lúa một vụ thì hiệu quả hơn nhiều. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay, tôi đã có 7 ao nuôi cá, mỗi ao rộng bình quân trên 2.000m2. Mỗi năm, tôi bán ra thị trường khoảng 4 tấn cá các loại, thu lợi nhuận 100 triệu đồng”.
Không chỉ có những gia đình như: Lò Văn Một, Lờ A Tằng mà còn rất nhiều nông dân khác nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu như: bà Lò Thị Mời, đội 3, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa); ông Lường Văn Pánh, bản Hin 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà); anh Mùa A Chống, bản Lồng, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo)…
Với chức năng đặc thù, NHCSXH đặt hiệu quả xã hội và lợi ích của các đối tượng vay vốn lên hàng đầu. Nhận thức được điều đó, NHCSXH tỉnh Điện Biên luôn tập trung để đưa nguồn vốn vay đến với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Theo đó, để nguồn vốn đến được với người dân, chi nhánh đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho nhiều gia đình, nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất. Hiện, ngân hàng đã đặt Điểm giao dịch tại 100% trụ sở UBND xã trên toàn tỉnh Điện Biên nhằm giúp bà con tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, cán bộ ngân hàng cùng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bám sát địa bàn, thôn bản khảo sát thực tế, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay đứng đối tượng xin vay.
Qua công tác kiểm tra vốn vay, hầu hết các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng thời hạn cam kết. Đối với những trường hợp xảy ra nợ quá hạn nhưng do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh hoặc khách hàng đang tạm thời gặp khó khăn thì chúng tôi đều tới kiểm tra nắm bắt tình hình động viên, sẻ chia và tạo điều kiện cho khách hàng cơ hội phát triển và trả được nợ bằng phương pháp gia hạn nợ. Nhờ đó, khách hàng không phải chịu áp lực quá lớn từ việc trả nợ, yên tâm phát triển sản xuất.
Qua 13 năm hoạt động, với 12 chương trình tín dụng khác nhau, đến nay, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã có doanh số cho vay đạt 3.171,5 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 1.700 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 12%. Trong 5 năm trở lại đây, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh đã giúp gần 14 nghìn lượt hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh xuống 32,57%; hỗ trợ 13,4 nghìn hộ nghèo có nhà ở mới; xây dựng mới trên 4 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Điện Biên tiếp tục phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn được giao; thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác với tốc độ tăng trưởng năm sau tăng 9 - 10% so với năm trước, nâng tỷ lệ dư nợ lên 1.770 tỷ đồng trong năm 2015. Quả thật, NHCSXH đã luôn là “người bạn” đồng hành thân thiết của người nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Bài và ảnh Đàm Xuân Triệu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Tận tâm với việc uỷ thác vay vốn chính sách nơi đảo xa”
- » “Cầu nối” dẫn vốn đến tay nông dân nghèo
- » “Cầu nối giúp nông dân làm giàu”
- » “Làm được nhiều điều cho bà con, tôi cảm thấy rất hạnh phúc...”
- » Thi đua để giúp dân làm giàu
- » Nữ Giám đốc “hai giỏi”
- » Người mang niềm vui đến với người nghèo
- » Người cán bộ tâm huyết với công tác tín dụng chính sách
- » Hết lòng vì người nghèo
- » Thi đua thực hiện tốt uỷ thác vay vốn chính sách