“Mát tay” dẫn vốn tới hộ nghèo

22/05/2015
(VBSP News) Làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã hơn 12 năm, chị Vũ Thị Thu chưa hề để xảy ra nợ quá hạn vốn vay tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chị Vũ Thị Thu (phải) thăm hỏi hộ nghèo vay vốn ưu đãi nuôi bò sinh sản

Chị Vũ Thị Thu (phải) thăm hỏi hộ nghèo vay vốn ưu đãi nuôi bò sinh sản

Năng nổ, nhiệt tình…

Chúng tôi hỏi chị về công việc của một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình vốn tín dụng chính sách ở thôn, chị trả lời vanh vách mà chẳng cần mở cuốn sổ cầm trên tay. “Năm 2003, nguồn vốn vay ở thôn chỉ có vài triệu đồng, với 1 - 2 chương trình tín dụng. Đến nay, nguồn vốn đã lên tới hơn 3 tỷ đồng. Suốt hơn 12 năm qua có tới vài trăm lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thôn Lai Tê được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chính sách. “Mỗi một hộ thoát nghèo là chúng tôi lại vơi bớt đi một nỗi lo, nhân thêm một niềm vui”, chị Thu bày tỏ.

Nhớ những ngày đầu tham gia hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách với NHCSXH, chị Thu là một trong những người tất bật, năng nổ. Cái cung cách gặp người này giải thích, gặp người kia phổ biến thông tin chính sách khiến nhiều người cứ tưởng chị là “nữ trưởng” của thôn Lai Tê. “Mình đi tập huấn, nghe chủ trương, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện thì về thôn phải phổ biến lại cho bà con nghe, ai chưa rõ thì giải thích cặn kẽ. Từ ý kiến của bà con, điều nào phát sinh mà mình chưa rõ thì hỏi lại cán bộ NHCSXH rồi phổ biến lại cho bà con”, chị Thu chia sẻ.

Tương trợ và cùng vượt khó

“Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thu làm Tổ trưởng là một trong những tổ có chất lượng cao trong hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách. Cách thức định kỳ hàng tháng các hộ vay vốn nộp tiền lãi tại nhà văn hóa thôn đang được Hội Phụ nữ cũng như các tổ chức hội, đoàn thể khác tham khảo, nhân rộng”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Chính Ngô Thị Cẩn, cho hay.

Điểm sáng trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi ủy thác thông qua tổ chức Hội Phụ nữ ở thôn Lai Tê là trong hơn 12 năm, chưa có nợ quá hạn và việc thu lãi hàng tháng được thực hiện rất nề nếp. Chị Thu nhớ lại: “Những năm đầu, việc thu tiền lãi vất vả lắm. Nhiều khi, để thực hiện đúng tiến độ, chúng tôi phải gác công việc nhà để tới từng hộ thu tiền lãi. Mà có phải đi một lần là thu được đâu, không phải bà con chây ì mà mình đến vào thời điểm chủ hộ đi vắng…”.

Được sự đồng ý, nhất trí của cấp ủy, trưởng thôn và tranh thủ sự ủng hộ của bà con, chị Thu đề nghị lấy nhà văn hóa thôn làm nơi thu tiền lãi. Định kỳ, NHCSXH huyện Lương Tài sẽ giao dịch tại xã Trung Chính vào ngày 14 hàng tháng. Trước đó, ngày 10 các hộ vay vốn về nộp tiền lãi tại nhà văn hóa thôn. “Ngày thực hiện đầu tiên có tới 2/3 số hộ tới nộp tiền lãi. Các tháng tiếp theo, số hộ tới nộp tăng dần và hiện đạt gần 100%. Cũng có 1 - 2 hộ vì lý do khách quan không đến nộp tiền lãi hàng tháng tại nhà văn hóa thôn được thì tôi phải trực tiếp đến nhà”, chị Thu cho hay.

Cũng theo chị Thu, với những trường hợp khó khăn về tiền nộp lãi hàng tháng, các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng cách cho mượn hoặc giới thiệu việc làm thời vụ như đan lưới, hoặc việc công nhật ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, xã…

Bài và ảnh Nguyễn Công

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác