Những người Tổ trưởng tâm huyết với công tác giảm nghèo

21/05/2015
(VBSP News) Là những người phụ trách địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng ông Đặng Thành Châu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Thuận A, xã Thuận An và bà Kim Thị U - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phù Ly II, xã Đông Bình, TX. Bình Minh (Vĩnh Long), đã có nhiều đóng góp đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó, đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phù Ly II, xã Đông Bình, TX. Bình Minh (Vĩnh Long)

Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phù Ly II, xã Đông Bình, TX. Bình Minh (Vĩnh Long)

Người Tổ trưởng sâu sát tại cơ sở

Ấp Thuận Tân A, xã Thuận An, nằm ven quốc lộ 1A có chiều dài 10km, dân số 2.116 khẩu với 611 hộ trong đó dân tộc Khmer là 528 khẩu. Theo ông Đặng Thành Châu: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là do hộ thiếu vốn sản xuất”. Chính vì thế, đến cuối năm 2004 sau khi NHCSXH huyện nhận bàn giao nguồn vốn từ NHNNo&PTNT, ông Châu được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đợt đầu tiên, NHCSXH huyện giải ngân tổng số tiền là 109 triệu đồng cho hộ nghèo, nhờ đó các hộ đã đầu tư mua 15 con bò sinh sản, 01 máy cày và trên 100 con lợn giống, gia cầm các loại. Sau gần 1 năm nhiều hộ đã vươn lên làm ăn thoát nghèo. Từ thực tế trên đã tác động tích cực đến cách nghĩ, cách làm ăn của nhiều hộ trong ấp, tổ của ông thu hút thêm nhiều hộ nghèo tham gia. “Vốn vay ưu đãi là động lực phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình trong ấp”, ông Châu cho biết. Nhờ vậy, dư nợ tổ đang quản lý gần 303 triệu đồng, nhưng không có nợ quá hạn.

Để quản lý tốt nguồn vốn, theo ông Châu, hàng tháng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức sinh hoạt một lần nhằm trao đổi rút kinh nghiệm tương trợ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình. Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình trước đây bỏ đi Bình Dương làm ăn nay nhờ vốn vay đã biết làm giàu trên chính quê hương mình. Tình hình an ninh trong ấp được ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, cũng nhờ vốn vay từ NHCSXH đã tạo thêm sự gắn bó giữa nhân dân với chính quyền địa phương và gắn bó giữa hội, đoàn thể với các hội viên.

Nữ Tổ trưởng năng động

Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phù Ly II, xã Đông Bình có 30 thành viên, đều sống bằng nghề nông. Theo bà Kim Thị U, trước kia khi chưa tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn và được vay vốn ưu đãi, cuộc sống gia đình của các hộ gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa biết sắp xếp tổ chức sản xuất hợp lý và những điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng từ khi được hỗ trợ từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, kết hợp với việc tập huấn chuyển giao KHKT, cách thức làm ăn, đời sống hộ dân đã thay đổi rất nhiều. Cùng tham gia sinh hoạt tổ, các hộ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách”, cùng bàn cách thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ổn định hơn.

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, bà U chia sẻ kinh nghiệm của mình, đó là tổ chức sinh hoạt định kỳ và thường xuyên, tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là nơi tổ viên học tập trao đổi kinh nghiệm. Trước tiên các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn báo cáo sơ lược tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng vốn vay có gì thuận lợi và khó khăn. Đặc biệt là tổ chức các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đi tham quan các mô hình sản xuất ở địa phương khác để về áp dụng đạt kết quả cho Tổ tiết kiệm và vay vốn của mình. Thường xuyên nhắc nhở tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hướng dẫn tổ viên hạch toán, cách thức quản lý chi tiêu tiết kiệm trong gia đình.

Theo bà U, nhờ triển khai tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH mà nhiều hộ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và cùng với đó việc chuyển giao KHKT, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi góp phần cho cuộc sống ổn định hơn.

Bài và ảnh Trần An Phước

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác